Đọc tiêu đề bài viết này, có lẽ bạn sẽ thắc mắc, tại sao nó không phải là Tâm thư gửi tặng Confession #5 như những Confession khác phải không. Đơn giản chỉ vì chủ nhân của Confession này không nhờ mình giải đáp hay nhờ tư vấn gì cả, mà đơn giản chỉ là muốn bàn luận và trao đổi một vấn đề hơi hại não mà thôi. Mình rất cảm kích bạn ấy, vì nhờ vậy mà mình có dịp lục lại mớ kiến thức lượm lặt trước giờ, gom lại và hồi đáp một cách có hệ thống.
Chào Annie, mình đọc trang Góc nhỏ của bạn cũng lâu lâu rồi, cuối tuần nào rảnh rỗi hoặc khi chợt nhớ ra, mình lại đọc vài bài. Mình cũng như bạn Confession #1, vào trang của bạn tình cờ khi đang tìm về Alec Benjamin…lúc đó mình cũng thật bất ngờ, tự nhủ: “Ồ, một bạn nữ có tâm hồn, hiếm có vào thời gian này.” Đọc blog của bạn cảm giác như trở lại thời blog Yahoo!360 còn thịnh hành hồi khoảng năm 2005 vậy. Mọi người đều viết dài, nhiều cảm xúc, chút gì hướng tới nội tâm hơn. Mới đó đã 15 năm rồi, bây giờ họ chỉ viết những status ngắn ngủi hài hước, trêu nhau, hoặc khoe khoang, thả thính, bán hàng…thói quen viết thư tay cũng chỉ còn là kỉ niệm.
Từ blog của bạn mình mới biết đến việc viết Confession. Thật thú vị khi được thử lại cảm giác viết một bức thư, có thể gởi gắm một chút tâm sự vào đó và chờ đợi được trả lời. Mình là nam, ở cái tuổi lưng chừng giữa 30 và 40, và cũng là người Đà Nẵng nữa 🙂 Đã bước qua cái tuổi 20 nhiều suy nghĩ mộng mơ, nhiều vấp ngã, mất mát và tới giờ cũng có thể nói là cuộc sống tạm ổn với gia đình riêng, con cái, các điều kiện vật chất mình gầy dựng nên có thể cho phép mình không còn phải quá vất vả hay luồn cúi, đấu tranh nhiều với xã hội ngoài kia. Sau tất cả, mình vẫn là người nội tâm, vẫn có cảm giác cách biệt với những cuộc vui ồn ào, những tiếng nói tiếng cười của đám đông khó chạm tới tâm trạng mình và mình cũng khó chạm tới không khí vui đùa của họ. Mỗi cuộc nhậu, mỗi chuyến đi chung huyên náo, mình vẫn là người ngồi ở góc xa nhất, ít nói nhất, cho dù đó là những người bạn mình quý mến hay chỉ là người quen xã giao. Có lẽ, những người sống hướng nội luôn có những trăn trở riêng, muốn hòa nhập đấy, nhưng lại không biết mở miệng nói như thế nào để phù hợp với không khí chung. Có lẽ họ cần những người bạn thực sự hiểu cách mình nói, sẵn sàng lắng nghe và trân trọng cá tính riêng. Lúc đó khoảng cách giao tiếp sẽ rút ngắn thật nhiều, nhỉ Annie.
Trò chuyện với bạn nữ chưa quen thật sự khó khăn đối với mình. Mình viết Confession sau khá nhiều cân nhắc, chủ yếu vì mình rất đề cao việc được trân trọng khi nói chuyện, và mình không chắc liệu một Confession dài về chủ đề lạ như thế này có bị Annie coi là “dị” lắm không. Nhiều va vấp, thất vọng của cuộc đời đã khiến mình đúc rút nhiều điều, nhiều đến nỗi mình đã tự thích nghi được với nhiều kiểu nỗi đau của đời sống. Mình cũng đủ trưởng thành để tự mình vượt qua khó khăn, không còn cần tìm ai đó để xin lời khuyên tâm lý, hay nghe mình kể những nỗi buồn nữa. Có một câu nói hay trong cuốn sách “Người bán hàng vĩ đại nhất thế giới” mình đọc thời sinh viên đến giờ vẫn còn nhớ, đó là “Tôi sẽ tránh xa sự tuyệt vọng, tuy nhiên nếu tôi bị lây nhiễm bởi chứng bệnh tâm trí này, thì tôi sẽ làm việc trong tuyệt vọng.” Ừm, đó là cách mình vượt qua nỗi đau. Làm việc, để mình thật bận rộn; chỉ đến khi chiều xuống đêm về thì “Pain that comes in waves”, chỉ cần chấp nhận nó. Lâu dần thời gian sẽ chữa lành lại hầu như tất cả.
Thế nên viết Confession gởi bạn, Annie, mình không có vấn đề cá nhân gì xin bạn lời khuyên cả. Mình chỉ nhờ Annie, nếu có thể và có hứng thú, thử cùng suy nghĩ, thử trả lời cho một câu hỏi nặng về triết học mà mình thắc mắc nhiều năm. Nó có thể dễ dàng để các bạn ngoài kia kêu lên: “Có hâm mới hỏi như vậy!”, hoặc “Có vậy cũng hỏi?” nhưng nó cũng là câu hỏi nghiêm túc có thể khiến nhiều người thâm thúy suy nghĩ đau đầu không ra kết quả.
“Why are we human beings?”
“Vì sao chúng ta lại là người?”
Chắc Annie cũng từng đọc qua nhiều sách về Phật học, hoặc vài bài báo y khoa, thần kinh học Tây phương, hoặc nhiều bộ phim về tâm lý khoa học, thậm chí Anime, Manga cũng có đại ý tiệm cận vấn đề này. Nhưng mọi thứ mình đọc đều không thể lý giải tường tận câu hỏi. Câu hỏi này theo đúng nghĩa đen, tại sao chúng ta với một đời sống duy nhất, lại là người mà không phải là một con chim, con cá, loài côn trùng, vi khuẩn nào đó trong số hàng chục triệu loài mà mỗi loài lại lên tới hàng tỷ con?
Mình có lẽ nhiều hơn Annie mười bốn tuổi đổ lại, trong khoảng mười năm qua thi thoảng suy nghĩ về nó nhưng mình chưa từng hỏi ai ngoài bạn. Vì mình tự hiểu được đây không phải là câu bình thường dễ hỏi. Thêm nữa, mình ở Đà Nẵng, mà quê mình Annie cũng biết mọi người thích nói chủ đề dân giã, tếu táo vui vẻ là chính chứ không thích đào sâu những chuyện xa xôi hóc búa.
Chuyện này bên Phật học cũng giải thích rằng có vô tận kiếp sống. Và đến kiếp này chúng ta làm người. Để đến kiếp sau lại một vòng xoay của luân hồi cho chúng ta mang thân của loài khác, loài khác nữa…vô tận lần. Trong số đó có những lần do phước đức hội đủ, ta được thân người. Tuy nhiên cách giải thích này mâu thuẫn với nguyên lý chính của Phật giáo đó là thuyết Nhân quả.
Nhân quả cho rằng nếu cá thể nào làm điều xấu ác thì tạo một cái Nhân ác, từ đó chồng chất Nghiệp xấu; rồi nghiệp đó đày đọa kiếp sau xuống những bậc sống thấp kém hơn, gọi là lĩnh quả ác. Luật Nhân quả này đến bậc Thế tôn như Đức Phật cũng không thay đổi được. Chiếu theo đúng luật này, thì nếu giả định có một tác nhân nào đó làm cho những loài vật bậc thấp kém trong cả vũ trụ (ví dụ ruồi, vi trùng, phù du…) sinh sôi ngày càng nhiều; thì đòi hỏi một số lượng tương đương các linh hồn mang Nghiệp xấu đầu thai vào chúng. Câu hỏi là số lượng cực nhiều linh hồn xấu đó ở đâu ra, nếu trên quy mô vũ trụ, tỷ lệ sinh vật làm thiện/làm ác vẫn giữ nguyên?
Nói đơn giản hơn, nếu một người làm ác, kiếp sau anh ta phải làm một con kiến. Mà Annie cũng biết, loài kiến rất dễ sinh sản, chỉ cần có đất làm tổ, có thức ăn và nước, là một kiến chúa sẽ đẻ cả 100.000 kiến con. Annie hãy tưởng tượng nếu tất cả hành tinh trong vũ trụ đều đủ điều kiện cho kiến sống được và tất cả đều phủ đầy các tổ kiến, cộng với thức ăn đầy đủ (về lý thuyết, điều này là có thể) thì số lượng kiến sẽ gần như vô hạn. Vậy cần có vô hạn kẻ mà kiếp trước đã làm ác, mang nghiệp xấu, đầu thai đến để làm kiến. Điều này là vô lý.
Cho nên trên quy mô tầm vũ trụ, đạo lý Nhân quả và luân hồi kết hợp với nhau bộc lộ mâu thuẫn cơ bản. Từ đó Nhân quả, luân hồi không thể lý giải câu hỏi: Vì sao chúng ta lại là người.
Môt cách giải thích đơn giản thứ hai, kiểu vô thần mà mặc nhiên đa số chấp nhận. Đó là chúng ta…may mắn. Chấm hết. Và chết là hết. Chúng ta chỉ sống một lần. Chết là về với bóng tối vĩnh viễn. Trò chơi Chiếc nón kì diệu diễn ra với đúng một lần quay trong số gần 14 tỷ năm vũ trụ và chúng ta quay trúng vào ô Con người với tỷ lệ trúng là 7 tỷ trên..vô hạn.
Annie có thể tưởng tượng nếu mình trộn một xấp bài 99 con đen và 1 con đỏ rồi bốc môt lần duy nhất thì kiểu gì cũng ra con đen. Nói gì đến tỷ lệ 1 vài tỷ trên vô cùng, vì ta tính số loài nhân số cá thể trên một hành tinh rồi nhân lên cả vũ trụ. Vậy sau cùng; không phải do luân hồi, không phải do may mắn; tại sao chúng ta lại ngồi đây, thực sự sở hữu thân người?
Đó là một câu hỏi thú vị đối với mình, có sự kỳ diệu và kỳ dị trong đó mà mình chưa bao giờ hiểu được. Annie có thể dành thời gian suy nghĩ, và gợi ý cho mình được không? Confession dài quá rồi, viết những dòng này dù sao cũng được giải tỏa phần nào suy nghĩ và thể nào cũng được đọc, đó cũng là niềm vui của mình rồi, dù cho vấn đề có được giải mã hay không. Anyway, biết đâu sau này Annie sẽ là một tác giả tài năng, một cây bút được chú ý. Có người như vậy từng để tâm đến vấn đề mình trăn trở cũng là một kỷ niệm hay, một cơ hội để vấn đề được nhiều người tiếp cận hơn.
Thân mến gởi Annie.
Chào bạn,
Với mình thì viết lách là một hình thức để giải bày, chia sẻ và kết nối cảm xúc, chứ không phải để trở nên nổi tiếng hay được nhiều người công nhận. Đó cũng là lý do mà mình lấy cái tên Annie, thay vì dùng tên thật và tiết lộ danh tính của bản thân. Mình muốn người đọc chú ý vào nội dung, hơn là vào chính mình. Thế nên, khi đọc được lá thư siêu dài và cực kỳ tâm huyết đến từ bạn, một người độc giả lớn hơn mình rất nhiều, dù chẳng biết mình là ai nhưng vẫn bỏ chút thời gian đọc các bài viết ở Góc nhỏ, thậm chí muốn bàn luận với mình một vấn đề nặng về triết học, mình thực sự rất rất vui. Việc bạn đào sâu và tìm hiểu một vấn đề thật sự rất thú vị và bổ ích, nên cũng không cần quan tâm người khác nghĩ gì đâu.
Đọc câu hỏi và phần phân tích diễn giải của bạn, mình được hiểu, điều mà bạn muốn làm rõ ở đây thiên về nguồn gốc và nguyên nhân tại sao chúng ta là con người, phải không? Diễn giải ra một cách cụ thể, tức là:
“Tại sao chúng ta là loài người, chứ không phải là một vật thể, một sinh vật, hay một thứ gì đó tồn tại ở trạng thái vô hình?”
Ở đây mình không bàn luận tới tư tưởng của Phật học, Sinh học hay Triết học, bên nào đúng, bên nào sai. Bởi vì phân tích một cách rộng ra thì nó còn liên quan đến tôn giáo, văn hóa và trải nghiệm của mỗi cá nhân trong xã hội. Mà đã là tư tưởng, không phải sự thật (facts) thì nó không đúng hay sai hoàn toàn, chủ yếu do cách nhìn nhận của từng cá nhân mà thôi. Vì vậy, việc bạn hay mình tranh luận và dùng tư tưởng nào để giải thích vấn đề này cũng khó mà tránh khỏi thiên kiến chủ quan.
Về mặt triết học, theo mình được biết thì có hai tư tưởng chính là Materialism (Duy vật) và Idealism (Duy tâm). Nếu như bạn đã chọn theo Materialism thì chắc chắn quan niệm Luân hồi và Nhân quả của Phật học sẽ bị bác bỏ hoàn toàn, vì cách lý giải của bên Phật học nặng về Idealism. Phần phân tích của bạn không sai, nhưng đang bị lòng vòng ở chỗ dùng Khoa học (vốn theo Materialism) để bác bỏ Phật học (vốn theo Idealism), giống như hai người Triết gia đang cãi nhau: Con gà có trước hay quả trứng có trước vậy. Vậy ai đúng, ai sai?
Về mặt sinh học, chúng ta hiển nhiên sinh ra dưới hình thù là con người vì giống nòi được di truyền qua nhiều thế hệ. Tất nhiên người và người với nhau không thể sinh ra kiến hay chim đúng không? Còn việc vì sao chúng ta sinh ra, thì quay lại với vấn đề Sinh vật học, đó là vào đúng thời điểm, tinh trùng tốt nhất gặp một trứng phù hợp, rồi quá trình thụ thai diễn ra thuận lợi và thai nhi bắt đầu thành hình. Nhìn bề ngoài có vẻ giống may mắn, nhưng thực chất đều có nguyên nhân đằng sau cả. Người ta thậm chí còn tính toán được thời gian và điều kiện tốt nhất để thụ tinh nhân tạo cơ mà.
Thế nên, cá nhân mình khi đọc câu hỏi của bạn thì nghĩ theo hướng nguồn gốc và sự phát triển của nhân loại, tức là về giống nòi và tiến hóa của loài Homo Sapiens. Bạn có thể đọc thêm quyển Lược sử về loài người (Sapiens: A brief history of humankind) của Yuval Noah Harari để đào sâu và tìm hiểu kỹ hơn về lịch sử loài người, từ gốc rễ của loài Sapiens đến thời đại của chủ nghĩa tư bản và kỹ thuật di truyền, từ đó khám phá tại sao chúng ta lại là con người, sống trong trong những điều kiện và môi trường hiện tại.
Ngoài ra, mình nghĩ rằng, nếu lý giải theo một cách đơn giản hơn thì mỗi chúng ta sinh ra với hình hài là con người đều có lý do. Chúng ta được sinh ra nhất định mang một thiên chức nào đó trong cuộc đời này, mà bản thân mỗi người có nghĩa vụ phải tìm được nó. Giống như câu nói nổi tiếng của nhà triết gia Aristole: “Everything happens for a reason.” Đó chính là life-purpose, tức đích đến hay ý nghĩa của cuộc đời.
Có một câu trích dẫn mình rất thích khi nói về ý nghĩa của cuộc đời, đó là:
“The meaning of your life and the reason why you want to keep going isn’t just an idea. It’s like another living entity that exists within you. It’s a part of who you are, your body and soul, and it coordinates with the things you think and feel. It’s a deep part of you that you are not even aware of most of the time.” – Justin Brown
Dịch: Ý nghĩa cuộc sống và lý do tại sao bạn muốn tiếp tục không chỉ là một ý tưởng. Nó giống như một thực thể sống khác tồn tại trong bạn. Nó là một phần của con người bạn, cơ thể và tâm hồn của bạn, và nó phối hợp với những điều bạn nghĩ và cảm nhận. Nó có một phần sâu sắc trong bạn mà bạn bạn thậm chí không nhận thức được nó.
Thế nên câu hỏi “Tại sao chúng ta lại là loài người?” với mình thực ra là một câu hỏi mang tính khẳng định. Nó giống như tại sao trái đất hình cầu, và tại sao mặt trăng lại quay quanh trái đất. Tất cả đều có lý do cả.
Những suy nghĩ trên đều dựa trên kiến thức và vốn hiểu biết ít ỏi của mình, không rõ đúng hay sai nhưng hy vọng sẽ giúp bạn có thêm một góc nhìn mang tính tham khảo cho câu hỏi mà bạn vẫn băn khoăn. Và một lần nữa, cảm ơn bạn vì một confession rất sâu sắc.
Love always,
Annie.
Góc nhỏ của Annie là blog phi lợi nhuận, miễn phí cho tất cả bạn đọc và không chạy quảng cáo. Sự ủng hộ của bạn là điều không thể thiếu giúp blog tiếp tục tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Bạn có thể ủng hộ cho blog tại ĐÂY nhé! ^^