Hôm nọ dạo một vòng trên Facebook, tình cờ đọc được mấy bài đăng thông báo điểm chuẩn các trường Đại học ở Đà Nẵng. Bâng khuâng một hồi, thôi thì cầm bút viết gì đó về những lựa chọn ở những năm tuổi 20 vậy.
Để nói về những lựa chọn tuổi đôi mươi, có lẽ mình nên ba hoa chút về việc tại sao mình lại học cái ngành hiện tại, mình đã điền nguyện vọng thi Đại học như thế nào. Ngẫm nghĩ lại, thực chất nó là câu chuyện…hài. Bạn không đọc nhầm đâu, đúng là “hài”. 4 năm trôi qua, thi thoảng nghĩ lại, mình vẫn thấy nó buồn cười.
Năm mình thi Đại học là năm đầu tiên Bộ đổi mới hình thức thi. Chính là bỏ thi tốt nghiệp, gộp chung với thi Đại học và gọi với cái tên siêu oách: “Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia”. Nói nôm na là thi 1 lần, thi trước, điền nguyện vọng sau. Nếu mình nhớ không nhầm thì hồi đó, mỗi thí sinh có quyền chọn 3 khối thi, mỗi khối được điền tối đa 6 nguyện vọng. Thế nên về cơ bản, xác xuất rớt đại học gần như là không có, chẳng qua là có đậu cái ngành mà mình thích hay không.
Nhưng chuyện nào có dễ vậy, đăng ký xong xuôi nguyện vọng thì cơn ác mộng mới thực sự bắt đầu. Đó là chuỗi ngày ngồi nhà hồi hộp chờ đợi, không ngừng nhấn F5 trên trang web trường mình đăng kí, nhìn từng con điểm lên xuống như xem chứng khoán. Mới hôm qua còn vui hôm nay điểm xuống rồi, ngày mai lại ai oán thấy điểm lên. Bao hứng khởi và vui vẻ lúc biết điểm thi đều bị đánh tan trong chốc lát, cuối cùng chỉ còn lại thực tại mông lung và nỗi sợ hãi mang tên “kết quả cuối cùng”.
Có một truyền kỳ khá buồn cười được dân Kinh tế lưu truyền qua nhiều đời đó là: những ai muốn làm bác sĩ sẽ đi học Y, những ai thích vẽ thì sẽ học Mỹ thuật hoặc Kiến trúc, những ai muốn làm kỹ sư hoặc lập trình viên thì sẽ học Bách Khoa, còn những thanh niên không biết mình thích gì thì…đi học Kinh tế. Tất nhiên đây chỉ là mô thức chung, có nhiều bạn thực sự thích học Kinh tế. Nhưng người đó chắc chắn không phải mình của nhiều năm trước. Bởi hồi học xong cấp 3, mình không hề biết bản thân thích gì, phù hợp với ngành nào và định hướng về tương lai ra sao. Làm mớ trắc nghiệm tính cách, rồi cũng đọc nhiều bài hướng dẫn chọn ngành nhưng cũng chẳng giúp ích được gì. Mình chọn Kinh tế vì điểm không quá cao, không quá cạnh tranh, học xong cũng không đến nỗi chết đói.
Dù chuyên Hoá nhưng mình dốt Sinh thậm tệ, vì vậy không thể thi khối B, còn nếu thi khối D thì phải bỏ Hoá, mình đành ngậm ngụi đặt trứng vào một giỏ, thi mỗi khối A. Ngày đó muốn học xa nhà lắm, măm me thi Kinh tế TP.HCM, nhưng nghĩ lại thấy thương mẹ. Chị đi du học, ba đi làm xa, mình mà đi học Sài Gòn là mẹ phải ở nhà một mình, ốm đau gì mình cũng không lo được. Cộng thêm Kinh tế Đà Nẵng năm đó nói cái gì mà học chất lượng cao, lợi ích hấp dẫn, đào tạo chuyên sâu, lại có cơ hội học chuyển tiếp ở nước ngoài. Thấy thích quá nên mình đổi ý, điền 3 nguyện vọng trường Kinh tế Đà Nẵng.
Nguyện vọng 1: Kinh doanh quốc tế (Ngoại thương).
Nguyện vọng 2: Marketing.
Nguyện vọng 3: Kinh doanh thương mại.
Vì sao mình chọn nguyện vọng như vậy á. Đơn giản là vì mình chán học tự nhiên rồi. 3 năm chuyên Hoá đã đốt sạch đam mê làm nhà khoa học khi xưa. Lúc đó chỉ cần chọn mấy ngành có liên quan đến xã hội, bớt tính toán lại là được. Ba mẹ khuyên mình chọn Kiểm toán vì ngành đấy HOT. Mình nhất quyết không chịu, dù điểm thì dư sức đậu.
Hồi đó mình cũng hiếu thắng dữ lắm, nghĩ tao là học sinh lớp chuyên, đã thi Kinh tế thì phải chọn cái ngành xịn nhất trường mà thi, nên đăng ký ngành 1 Kinh Doanh quốc tế. Nghe đồn học ngành này có triển vọng và nhiều cơ hội việc làm lắm. Sau đó chị mình gọi điện từ Úc về bảo, bả học qua mấy môn về Marketing thấy khá hay, có vẻ “hợp” với mình nên đăng ký thử đi, cái là xong ngành 2. Ngành Kinh doanh thương mại nghe có vẻ giống Kinh doanh quốc tế nên mình điền đại luôn.
Mình nhớ ngày biết kết quả cuối cùng là Thất Tịch 7.7. Hôm đó trên newsfeed toàn tin về yêu với chả đương, mình thì đăng vỏn vẹn 4 chữ.
“Thôi thì, mình liều.”
Liều gì, thực ra là liều học đại ngành 2 Marketing. Mình rớt nguyện vọng 1. Tối đó, mình khóc một trận ê chề, vì nhục, vì thất vọng với bản thân, vì oán hận đời bất công. Vì sao mấy đứa kia được cộng điểm còn mình thì không. Nói chung là ghét cả thế giới, ghét cả chính mình. Trước đó mình định đi đổi nguyện vọng sang Kinh doanh thương mại, nhưng lười quá nên thôi học bừa ngành 2. Giờ kể lại, mình cũng thấy toát mồ hôi thay cho mình thời 18 chưa tròn. Ngây ngô đến ngớ ngẩn!!!
Vào đại học rồi mình mới biết bản thân không thật sự phù hợp với cái ngành này. Mình quá hướng nội, cố chấp và cầu toàn. Trong khi cái ngành này lại cần những con người hoạt ngôn, hướng ngoại, năng động. Mình thường xuyên cảm thấy lạc lõng trong đám bạn tứ xứ, dần dà đâm ra ít nói, lầm lì, lạnh lùng. Hồi đi học quân sự mấy đứa nói mình mới biết, chúng nó nhìn mình trông sợ lắm vì mình cứ im im, kiểu chảnh chảnh. Thực ra không phải vậy, mình im lặng chẳng qua vì không biết nói gì. =.=”
Học hết năm 1 thì mình chán đến phát ngán. Mình từng làm xong hồ sơ xin bảo lưu để gap year, nhưng rồi lúc đó đọc được quyển Hộ chiếu xanh vòng quanh thế giới và Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu, cuộc đời của mình lại rẽ sang hướng khác.
Lúc đó thịnh hành trào lưu săn học bổng du học. Hầu như lũ bạn cấp 3 và bạn bè thân thiết đều đã đi, không tự túc thì cũng là học bổng, cả chị mình cũng thế. Vậy là mình bắt đầu mơ một ngày được đi du học, đến một nơi khác bắt đầu một cuộc sống mới. Có lẽ ở đó, mình sẽ hết lạc lõng và tìm được phương hướng cho cuộc đời. Trong những ngày anh em ê mặt đi làm thêm lấy thêm kinh nghiệm và mở rộng mối quan hệ, mình chỉ làm 3 chuyện: GPA, tiếng Anh và hoạt động ngoại khoá. Mình cố chấp đến cùng để làm được chúng, dù lúc đó mình tự ti đến cùng cực. Sau vài tháng, vì thiếu tiền không đi học được các trung tâm tiếng Anh mình mới đi làm thêm. Có điều nhờ nghe radio anh Kiên Trần, mình cảm thấy đi học thêm tiếng Anh cũng không cần thiết. Vậy là mình ở nhà mày mò tự học tiếng Anh, vẫn đi làm để đủ tiền thi IELTS và độc lập về tài chính.
Có những ngày mình áp lực và mệt đến nỗi cứ nằm lên giường là nước mắt lại lăn dài. Mình không biết tương lai sẽ trôi về đâu, và đến bao giờ cơn ác mộng này mới chấm dứt. Điểm sáng duy nhất là những lúc mình được sinh hoạt và làm việc với đồng đội ở AIESEC. Chỉ có khi ở LCH với mọi người, mình mới thả lỏng và dạn dĩ tỏ bày ý kiến. Đến khi về nhà mình lại tiếp tục hành trình mịt mờ đó.
Bao nhiêu đêm thức đến 2-3h sáng, bao nhiêu ngày giảng bài khô cả họng, cuối cùng mình cũng để dành đủ tiền thi IELTS. Có điều lần đầu mình chỉ được 6.0, mà người ta yêu cầu những 6.5. Vậy là mình đành hoãn 1 kỳ, ngậm ngùi bỏ làm, bỏ AIESEC để tập trung học tiếng Anh và kiếm học bổng toàn phần ở trường. Vì chỉ có học bổng thì mới đủ tiền thi lại. Kết quả, mình đã làm được. Người ta chỉ tốn có 1 năm, mình mất đến gần 2.5 năm. Kỳ 2 năm 3, cuối cùng mình cũng được đi trao đổi 1 kỳ ở Đức. Đó là khoảng thời gian đẹp nhất đời mình, bởi sau những ngày miệt mài học hành và làm lụng, cuối cùng mình cũng có thể tung tăng bay nhảy ở châu Âu. Đợt đó mình lên những 5kg, chắc vì tinh thần thoải mái và vui vẻ trong người.
Thế rồi những kỷ niệm hạnh phúc về chuyến đi nhanh chóng qua đi. 5 tháng trao đổi kết thúc, mình trở về lại Việt Nam học cho xong năm cuối. Và rồi cảm giác lạc lõng lúc trước lại quay về.
Mình nhận ra việc đến một nơi mới không thể thay đổi cuộc đời mình, cũng không thể giúp mình xác định được phương hướng. Nếu ở Việt Nam mình thấy lạc lõng, thì cho dù ở Paris hay Berlin mình cũng vẫn thấy lạc lõng. Lạc lõng vẫn luôn ở đó, chỉ là mình bị những cái mới hấp dẫn nên bỏ quên nó. Có lẽ, 5 tháng đó mình vẫn còn trong giai đoạn Honeymoon, chưa thực sự bước qua những trắc trở trong quá trình hoà nhập nên vẫn còn phởn. Về Việt Nam học hết kỳ 1 năm cuối, mình sụt 5kg, về lại cân nặng ban đầu. Phần vì chương trình học năm cuối khá nặng, phần vì mình phải thi bù 5 học phần không được công nhận trong kỳ trao đổi, cả thảy 11 môn. Cảm giác đó, bạn hiểu không? Lúc đó bạn bè hỏi, mình cười mà như sắp khóc đến nơi.
Có lẽ 4 tháng thực tập là 4 tháng khiến mình trưởng thành và phải đặt dấu chấm hỏi cho cuộc đời nhiều nhất, bởi cái cảm giác lạc lõng cứ thôi thúc mình phải trả lời cho bằng được câu hỏi về công việc trong tương lai. Thêm vào đó, mình và người nhà bất hoà, mỗi tối đều khóc và thức đến 2-3h sáng, ngày hôm sau lại tỏ ra bình thường để đi làm. Thực sự là có lúc mình thấy bản thân sắp trầm cảm đến nơi nhưng phải ráng làm cho xong cái luận văn và hoàn thành công việc. Mình biết, có những ngày, thái độ của mình không tốt và mất kiên nhẫn. Nói chung cũng thấy có lỗi với anh Leader và mấy anh chị đồng nghiệp, nhưng biết làm sao đây? Mình không thể quay lại quá khứ được nữa rồi.
Tối hôm bảo vệ luận văn xong, mình có gặp lại đứa bạn cũ ngày xưa hay lên mạng giải Hoá chung. Nó hỏi mình làm sao có thể học đến thủ khoa trong khi không thực sự đam mê với cái ngành mình đang làm? Mình chỉ cười rồi trả lời rằng: Ngày trước là vì không biết bản thân thích gì, nên không còn lựa chọn nào khác, chỉ có thể làm tốt nhất những gì cần làm. Chính là loại bỏ hết cảm xúc, không nghĩ tới việc thích hay không thích nữa mà chỉ làm thôi. Mục tiêu, kế hoạch, làm. Mục tiêu, kế hoạch, tiếp tục làm. Nhưng sau khi đạt được mục tiêu ngắn hạn là đi du học rồi thì mới phát hiện những thành tích đó chẳng có nghĩa lý gì. Cái sai lớn nhất của mình chính là bỏ qua cảm nhận của bản thân. Rõ ràng có những ngày mình chán ghét những điều mình đang làm nhưng không dám đối mặt với cảm xúc mà chỉ làm theo lý trí. Nói chung khi đó mình khá hèn, không có dũng khí để thật sự “liều”.
Thế nên khi tốt nghiệp, mình đã nói với bản thân một câu: Cảm ơn mày, cuối cùng cũng vượt qua tất thảy.
Nhìn lại thì, trong những năm vừa qua mình từng dại dột nhiều lần, bướng bỉnh và ngoan cố vô cùng, nhưng mình chưa từng hối hận vì những lựa chọn năm xưa, dù nó hoàn toàn là ngẫu hứng. Chí ít thì những năm qua, mình đã cố gắng hết mình, làm tốt nhất những điều bản thân có thể, nên khi nghĩ lại, mình cũng chưa từng thẹn với lòng. Nếu như 4 năm đó mình không làm xằng làm bậy như vậy, có lẽ bây giờ mình vẫn chưa tỉnh ra mà vẫn chạy quanh với những mục tiêu ngắn hạn không rõ ràng.
Thực sự cảm ơn bạn nếu đã đủ kiên nhẫn đọc đến đây. Mình kể nhiều như vậy không phải để khoe khoang mình đã cố gắng nhiều như thế nào hay đã chịu khổ ra sao. Mình chỉ muốn nói rằng, sống đến nay cũng hơn 20 năm, có những lựa chọn dù muốn hay không cũng phải thực hiện. Cuộc sống vốn dĩ là vạn biến. Chẳng có lựa chọn nào là chính xác tuyệt đối, đúng sai phân định rõ ràng. Nếu đã biết bản thân thích gì, thì hãy cứ kiên trì đi theo nó, biến nó trở thành điều đúng đắn. Còn nếu chưa biết bản thân mình thích gì, thì cũng đừng nản lòng, cứ làm tốt nhất những điều bạn có thể làm ở hiện tại. Đến khi bạn có đủ tư cách để thực hiện thứ mình muốn, thì chí ít cũng không thẹn với lòng vì chưa từng cố gắng hết mình.
Và điều quan trọng là đừng bao giờ phủ nhận cảm xúc của bản thân. Nếu không trả lời được câu hỏi mình có nên làm điều này không thì hãy hỏi, mình có hối hận nếu không làm nó không?
Thực ra đáp án cho mọi lựa chọn bạn đều đã rõ. Chẳng qua là không dám đối mặt mà thôi.
Góc nhỏ của Annie là blog phi lợi nhuận, miễn phí cho tất cả bạn đọc và không chạy quảng cáo. Sự ủng hộ của bạn là điều không thể thiếu giúp blog tiếp tục tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Bạn có thể ủng hộ cho blog tại ĐÂY nhé! ^^
Hây dà, nhắc mới nhớ đợt thi đại học của Jan cũng thú vị ra trò. Thi xong cứ đăng ký NV1 KDQT ở ĐH Kinh tế Đà Nẵng, tại nó cao điểm nhất. Mấy cái sau cứ sắp xếp ngẫu nhiên thôi, sau đó thì mình tung tẩy đi chơi với bạn từ Đà Lạt đến miền Tây rồi khi nghe sắp báo điểm mới lật đạt bắt tàu từ Nha Trang về nhà =))). Vì Jan nghĩ mình cũng chả biết nên chọn gì, không biết mình thích gì, thì thực ra đậu cái gì cũng được, miễn là đừng rơi vào mấy khoa thấp thôi. Lúc đó nhìn con bạn đăng ký kế toán mình cũng đăng ký theo, chứ bản thân lại tính toán chậm chạp, hay sai số, còn không phải kiểu người cẩn thận =))) Cuối cùng không biết là may hay xui mà đậu ngay NV1, mọi thứ chẳng có gì khác lớp bình thường ngoại trừ học phí cao, lớp có điều hòa, và thêm lằng nhằng thủ tục của lớp CLC. Lúc đó lại nghĩ học như vầy học lớp đại trà lại tiết kiệm hơn. Và dù giờ học ở Phần Lan nhưng Jan cũng đang rơi vào khủng hoảng tuổi 20 vì năm sau tốt nghiệp, mà mình lại cảm thấy mình chưa sẵn sàng bước ra ngoài thế giới. Nhưng mọi thứ rồi sẽ ổn thôi. Chũng ta ai cũng sẽ lớn mà.
Đọc những suy nghĩ của chị mà thấy hai, ba phần bản thân trong đó. Cũng vì quá tự tin mà suýt trượt đại học. Bản thân em cũng không kiên trì, cố gắng được như chị. Đọc những dòng này mà thấy bản thân hơi tồi, và luôn tự nhủ cố gắng hết mình nhưng thực sự chưa bao giờ làm được như vậy.
–) mục tiêu bản thân khi đọc lại: giành được học bổng và đi trao đổi .
Cảm ơn chị ạ.