Nói thực lòng thì, lần đầu đọc Ba Nghìn Dặm (We Are Okay) của Nina Lacour, mình không có ý định viết review. Đợt đó dịch Covid-19 ở Sài Gòn khá nghiêm trọng, và mình thì vẫn còn làm online ở công ty cũ. Thế là trong một ngày ít việc, mình lười biếng, bỏ lại những phiền não trong công việc, dành nguyên một ngày chỉ để đọc quyển này, đơn thuần bởi nó mỏng. Nhưng có lẽ vì đọc khá nhanh nên mình chưa cảm hết được phần chìm, những tâm tư và xúc cảm trong từng câu văn của Nina Lacour. Khi ấy, gấp cuốn sách lại, ngoài cảm giác mơ mơ hồ hồ, có chăng thì mình chỉ thấy chút đồng cảm với Marin, bởi vì bản thân cũng từng là một cô gái chạy trốn khỏi nơi mình từng sinh ra và lớn lên.
Bẫng qua một thời gian, lúc coi Lấy danh nghĩa người nhà, cảm thấy ấm áp vì tình cảm của ba Lý dành cho Tử Thu và Lăng Tiêu, tự dưng mình muốn đọc lại We Are Okay. Lần thứ hai này, mình đọc rất chậm. Mỗi ngày đi làm về đọc một chút, cuối tuần rỗi lại đọc một chút. Một quyển sách chỉ hơn 200 trang nhưng mình đọc gần 1 tháng, bởi không cách nào đọc liên tục được. Mỗi lần đọc là lại thấy thổn thức, mỗi lần đọc lại thấy nhói lòng khi nghĩ về gia đình. Đặc biệt, những chương gần cuối, khi chú Javier và cô Ana cùng Mabel đến thăm Marin, cô Ana ngỏ ý muốn nhận Marin làm con gái, mình khóc đến sưng cả mắt.
Tựa sách đầy ẩn ý
Mặc dù tựa sách là We Are Okay, Marin, Mabel và ông ngoại của Marin vẫn sống và nhìn về phía trước nhưng trong lòng chẳng hề an ổn. “We Are Okay” tựa như một câu nói thốt ra để tự trấn an bản thân và đối phương, để tỏ ra bạn vẫn ổn, nhưng thực ra thì…không.
Giống như khi mẹ gọi điện thoại hỏi thăm: “Dạo này mọi chuyện vẫn tốt chứ con?” Lẽ dĩ nhiên bạn sẽ đáp: “Con vẫn ổn”. Nhưng đằng sau cái sự “ổn” đó là hàng loạt những cơn sóng ngầm, những dữ dội trong lòng, những nỗi buồn, những tủi thân, những cơn giận mà bạn không thể phát tiết, không thể một lời nói hết, càng không biết nói như thế nào, nói ra sao. Bạn học cách làm bạn với phiền não và cô đơn, rồi vùi chôn tất thảy những ấm ức và nỗi buồn thật sâu dưới tầng ký ức của bản thân.
Cốt truyện
We Are Okay là câu chuyện xoay quanh Marin, một cô gái 18 tuổi bỏ lại tất cả những đau thương ở mảnh đất California, nơi cô từng sống cùng ngoại để một mình “chạy trốn” đến New York. Truyện mở đầu với cảnh Hannah, người bạn cùng phòng ở kí túc xá của Marin chần chừ chưa chịu rời phòng để về nhà nghỉ đông.
“Hiện giờ chỗ này là nơi em sống, nơi em sẽ sống cho đến khi tốt nghiệp.”
Marin đã đáp như vậy khi phòng hành chính nhà trường hỏi rằng cô không thể ở đâu khác, nhà người quen hay bạn bè trong kì nghỉ đông.
Marin cũng chẳng liên lạc với bất kỳ ai trong quãng đời ngày xưa của mình, kể từ lúc cô bỏ lại mọi thứ sau lưng. Không ai biết được sự thật về những tuần cuối cùng của cô khi còn ở căn nhà nòi bên bãi biển Ocean, kể cả người bạn thân – Mabel. Nhưng ngay cả khi đã cách xa ba nghìn dặm, ở trong trường đại học ở New York, Marin vẫn cảm nhận được sự đeo bám của đoạn đời trước và tấn bi kịch mà cô luôn trốn tránh. Giờ đây, vài tháng sau, một mình trong kí túc xá trống vắng, Marin chờ đợi, Mabel sẽ đến thăm cô. Và rồi Marin buộc phải đối mặt với những điều mà cô vẫn chôn giấu, và nỗi cô đơn cùng cực vốn đã hằn sâu trong cõi lòng.
Nỗi đau mang tên “mơ hồ”
Đánh mất một người quan trọng khiến bạn hoài niệm và thương tiếc. Bạn buồn và đau khổ vì không còn cảm nhận được niềm hạnh phúc xưa cũ, không còn cơ hội gần gũi bên người kia. Người đi rồi, nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn. Bạn vẫn phải sống. Nhưng chí ít, bạn biết rằng những kí ức kia là thực.
Nhưng giả như, những hồi ức kia không có thực, mà chỉ là nhứng dối lừa, vậy bạn phải hoài niệm thế nào đây?
Cơn sốc và nỗi đau của Marin không phải vì ngoại tự vẫn ngoài biển khơi, mà bởi ông đã lựa chọn ra đi ngay cả khi biết cô “thuỷ thủ” Marin vẫn ở đây. Và hơn thế, ông đã cô đơn thế nào khi một mình gặm nhấm lấy nỗi đau mất con gái. Ông đã đớn đau thế nào mà khiến Marin lầm tưởng “Chim non” là một bà già cá tính nào đó đang thư từ qua lại với mình, chứ không phải những lá thư ông tự viết và tự hồi âm dưới danh phận người con gái quá cố, tức mẹ Marin. Ông giả vờ rằng tâm trí và trái tim ông không hề đen tối và xoắn vặn. Rằng ông sống trong một căn nhà với cô cháu gái, nướng bánh, chở cô bé đến trường, dạy những bài học về cách tẩy vết ố và tiết kiệm tiền, nhưng thực ra ông đang sống trong một căn phòng bí mật với những hồi ức và kỷ vật của người đã khuất, nhưng không bao giờ cho cô cháu xem bất cứ bức ảnh nào của mẹ nó.
Marin đã tưởng ngoại sẽ không bao giờ dối gạt cô, những tưởng đã biết ông là người như thế nào, nhưng tận đến khi ông mất và cô phát hiện ra căn phòng sau cánh cửa của ông, ông là một người “lạ” từ đầu chí cuối. Vậy thì, Marin phải để tang một người lạ thế nào đây? Và nếu người mà Marin yêu thương còn không phải là một “người hiện hữu” thì ông ấy chết thế nào được?
“Ông vốn không cần phải cảm thấy cô đơn như vậy.”
“Tớ đã ở đó mà. Ngoại có tớ đấy thôi, nhưng thay vào đó lại đi viết mấy bức thư.”
“Chúng tôi đã quá ngây thơ khi nghĩ rằng cuộc đời y như những gì mình vẫn nghĩ, rằng nếu ta xâu chuỗi mọi sự thực tế về bản thân vào với nhau thì chúng sẽ ghép nên một bức tranh có ý nghĩa – với bóng hình giống hệt bản thân khi chúng tôi nhìn vào gương, với không gian giống hệt như phòng khách và căn bếp của mình, với những người đã nuôi mình khôn lớn – thay vì phanh phui những điều chúng tôi chưa từng biết tới.”
Chính nỗi đau đó đã khiến Marin không từ mà biệt, sống những ngày lang bạt ở New York trong căn trọ “ôi thiu”, “không phải nơi người sống” trước khi kì nhập học bắt đầu. Cô lờ đi hơn 900 tin nhắn của Mabel, lờ đi những cuộc gọi của ông Jones – người hay chơi bài với ngoại, của chú Javier và cô Ana – cha mẹ Mabel, người coi cô như con gái ruột, để đến New York, xa cách nghìn dặm với nơi từng là nhà.
Ngay cả khi Mabel đến thăm, dù tưởng tượng ra viễn cảnh trở về với gia đình cô chú Javier và Ana, cuộc sống ở nơi ấy sẽ như thế nào, những thứ bản thân sẽ làm, Marin chỉ cảm thấy nỗi trống rỗng dâng trào. Marin một mực từ chối lời ngỏ của Mabel về sống cùng gia đình cô rất nhiều lần.
“Tôi không thể chịu đựng nổi việc lên máy bay về San Francisco. Như thế sẽ là bay về miền đổ vỡ.” – Marin nói với Mabel. (Chú thích: *San Francisco là thành phố thuộc bang California của Mỹ.)
Những chi tiết mình thích
Giống như những quyển tiểu thuyết khác mà mình ưa thích, We Are Okay được viết theo mạch suy nghĩ của nhân vật chính. Nghĩa là, trong khi chương trước bạn đang chìm ngập trong nỗi cô đơn và hoang hoải, trong mùa đông lạnh lẽo đầy tuyết trắng, và Marin thì đang đơn độc một mình ở kí túc xá của đại học ở New York, thì ngay chương sau, bạn sẽ trở về quá khứ, về với bãi biển đầy nắng Ocean ở California, về với chiếc bàn ăn mà đầu gối của hai ông cháu liên tục đụng vào nhau, về với mẻ bánh nướng thơm phức của ngoại Marin, về với cây thông được hai ông cháu trang trí đầy màu sắc vào Giáng Sinh, về với một ông cụ hom hem nhưng rất đỗi ấm áp. Để đến khi giữa truyện, bạn tự hỏi từ lúc nào cô “thuỷ thủ” nhỏ không còn về nhà ăn tối cùng ngoại nữa. Bắt đầu từ bao giờ ngoại ngưng không nấu bữa tối vì cô cháu gái không còn muốn ăn cùng ông nữa. Bắt đầu từ bao giờ mà cả hai đều có những bí mật không thể nói, không thể sẻ chia?
Mình cũng đặc biệt thích câu chuyện về một cô gái được nuôi lớn bởi người cá mà Marin viết trong giờ học tiếng Anh ở phần đầu sách. Những người cá cảm thấy tội lỗi vì đã giết mẹ cô nên họ kể cô nghe những câu chuyện về bà, làm cho bà chân thật hết mức có thể, nhưng luôn có một lỗ hổng trong cô mà họ không thể lấp đầy: cô tò mò về mẹ mình.
Khi đọc truyện, mình nhớ rằng mẹ Marin đã mất trong bệnh viện với hai lá phổi đầy nước, chứ không phải mất tích trên biển. Mình đoán có lẽ mẹ Marin là một tay lướt sóng cừ khôi, từng cứu ai đấy sắp chết đuối, nhưng không may bị sóng cuốn, dù được cứu lên nhưng sau đó không may qua khỏi. Marin ngày ấy có lẽ còn rất nhỏ. Thế nên khi Marin và Mabel ngồi ở bãi biển Ocean, dù rất lạnh nhưng Marin vẫn chờ hai người lướt sóng nọ tấp vào bờ rồi mới rời đi. Có lẽ cô bé đã làm việc này rất nhiều lần, trông coi những người lướt sóng và được họ tặng những vỏ sò. Họ kể cho cô rất nhiều câu chuyện về đức tính tốt đẹp của bà Claire – mẹ cô. Nhưng một đứa trẻ mới lớn, dù được nghe kể nhiều chuyện về mẹ, Marin vẫn luôn thấy một lỗ hống trong tâm hồn, một khao khát được hiểu mẹ nhiều hơn nữa.
Câu chuyện cô gái và người cá trên được Marin viết có lẽ đến từ chính trải nghiệm thật của cô. Hoặc có khi, đơn cử là mình nghĩ hơi nhiều, và đây chỉ là giả thuyết của riêng mình thôi.
Viết về nỗi cô đơn quá đỗi đẹp
Ngay từ lần đọc đầu tiên, một trong những thứ khiến mình ấn tượng nhất ở We Are Okay đó là giọng văn đượm buồn của Nina. Những câu văn ngắn, gãy gọn, những dấu chấm câu đột ngột khiến người đọc như nghẹn lại trước nỗi cô đơn cùng cực của một cô gái trẻ, đặt trong khung cảnh của mùa đông lạnh lẽo và 3000 dặm cách xa nơi từng là mái ấm. Bạn đọc sách và nhận ra mình khóc nấc lên, bởi vì thấy đâu đó chính bản thân trong những câu chữ đó. Nhưng khi đọc đến trang cuối thì bạn biết: “I will be okay”. Rồi tôi sẽ ổn thôi.
Mình đã gạch dưới vô số những câu văn trong quyển sách, và đây, mình xin trích một vài những đoạn tâm đắc nhất:
“Giá như tôi có thứ gì đó để xoa dịu nỗi cô đơn. Giá như cô đơn là một từ chính xác hơn. Lẽ ra từ ấy nghe ít đẹp đẽ hơn nhiều. Tuy nhiên, tốt hơn hết là đối mặt với nỗi cô đơn ngay bây giờ, để sau này nó không đột ngột choán lấy tôi, để tôi không phải thấy mình bị tê liệt và chính bản thân chẳng mò mẫm nổi lối về.”
“Tôi biết rằng tôi luôn cô đơn, kể cả khi có những người khác xung quanh, nên tôi mặc cho sự trống vắng thấm vào mình.”
“Một mình cũng có nhiều kiểu. Đó là điều tôi biết chính xác nhất. Tôi hít vào (sao và trời). Tôi thở ra (tuyết và cây).
“Tôi biết được rằng tôi là một mảnh tí hon trong thế giới diệu kì.”
“Tôi nghĩ về đau buồn như một điều giản đơn. Lặng lẽ.”
“Bạn sống trên đời mà nghĩ rằng có rất nhiều thứ bạn cần… Cho tới khi bạn bỏ đi chỉ với điện thoại, ví tiền và ảnh của mẹ trên người.”
“Nhưng tôi biết có sự khác biệt giữa cách tôi tiếp nhận sự việc ngày xưa và ngày nay. Tôi từng khóc khi đọc truyện, nhưng rồi khi đóng sách lại, tất cả sẽ chấm dứt ngay. Giờ thì chuyện gì cũng vang vọng không dứt, ghim vào như mảnh dằm, mưng mủ cả lên.”
Trải nghiệm cá nhân của tác giả
Trong phần lời cảm ơn cuối sách, Nina LaCour có chia sẻ rằng cô viết We Are Okay dựa trên những cảm xúc của cô với người ông đã mất. Dù tình thương giữa ông và Nina không hề phức tạp như nhân vật Marin và ngoại, chất cảm xúc, nỗi đau về một người mà bạn hằng yêu quý mãi mãi lìa xa được tái hiện trong văn của Nina một cách vô cùng chân thật, đặc biệt khi cô miêu tả ngoại của Marin.
Ngoài ra thì Nina Lacour cũng là người ủng hộ LGBT. Cô hiện đang sống cùng với vợ Kristyn ở bang California. Vào ngày giỗ một năm sau khi ông của Nina qua đời, khi con gái Juliet của cô vừa chào đời, ý tưởng về cuốn sách đã nhen nhóm dưới những mẩu hội thoại giữa Mabel và Marin trong một lần Nina đi uống cà phê với vợ. Thế nên, tình cảm giữa hai cô gái Mabel và Marin trong sách, những câu văn có phần ngắn nhưng đầy xúc cảm, có lẽ phần nào đến từ người vợ yêu quý của cô lúc bấy giờ.
Cuốn sách vì vậy đã được Nina đề từ dành tặng cho người vợ của mình và người ông quá cố.
Lời kết
Và như thường lệ, khi đọc quyển này, mình cũng hay phát đi phát lại một bài hát, đến lúc viết review mình cũng chỉ mở mỗi bài này thôi. Lúc đọc quyển này, fairy của Dawn tình cờ nhảy vào playlist của mình trên Soundcloud. Sau này nghe kĩ hơn và tìm đọc vietsub lời thì thấy vô cùng với ngữ cảnh của truyện, lời bài hát giống như tiếng lòng của Marin dành cho biển khơi nơi đã đánh cắp ngoại và người mẹ yêu dấu, cũng là tình yêu vụng dại và đau đớn của Marin dành cho Mabel, người bạn thân của mình.
Nếu bạn nào đã đọc quyển này rồi, đừng quên chia sẻ với mình những cảm nhận của bạn nhé.
Góc nhỏ của Annie là blog phi lợi nhuận, miễn phí cho tất cả bạn đọc và không chạy quảng cáo. Sự ủng hộ của bạn là điều không thể thiếu giúp blog tiếp tục tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Bạn có thể ủng hộ cho blog tại ĐÂY nhé! ^^