Posted in Điện ảnh

[Review] Forever my girl và The Bachelors

Vừa coi xong liên tục 2 phim là Forever my girl và The Bachelors. Bài review này sở dĩ 2 trong 1 vì mình đang có mood viết và cũng lười chia thành 2 bài.

Forever my girl

Review forever my girl
Poster Forever My Girl

Phim đầu tiên chỉ được diễn viên đẹp với nhạc hay chớ coi xong không đọng lại trong mình gì cả. Cốt truyện hơi bị nhàm, có lẽ chỉ thích hợp với những ai muốn coi phim ngôn tình, yêu đương lãng mạn cho vui và giải trí.

Mình không thích nam chính bởi vì anh ta quá vô trách nhiệm với gia đình và với cả chính bản thân mình. Phim cũng không làm rõ được lý do vì sao anh ta lại lựa chọn bỏ đi giữa chừng (2 lần) rồi lại lựa chọn trở về. Lời giải thích của anh ta là lúc đó mình còn trẻ, và sợ mất đi nữ chính như lúc mất mẹ, hoàn toàn không được người xem là mình đây cảm thấy make sense. Nếu như cốt truyện nhấn nhá hơn về vết thương tâm lý của nam chính hay đào sâu hơn về mối tình của nam nữ chính, và điều này khiến cho anh ta bỏ chạy thì có lẽ phim đã không quá hẫng. Mặt khác, cách nữ chính đồng ý tha thứ cho anh ta (những 2 lần) cũng hoàn toàn không thuyết phục được mình, cô này làm mình nhớ tới Ana trong 50 Sắc thái, đẹp nhưng vô dụng. Như lời dẫn của ba nam chính khi nói ở nhà thờ về lòng bao dung (mercy) và sự tha thứ (forgiveness) ít ra phải có cái gì đó nhấn nhá vào những điểm này thì mới đẩy phim lên được cao trào. Điểm duy nhất cứu vớt nội dung toàn bộ phim là bạn nhỏ Billy (con gái nam nữ chính) quá dễ thương, quá đáng yêu, quá hiểu chuyện, nói chung cực kì cưng.

Túm lại là mình cảm thấy thất vọng, vì đoạn đầu nghe bài nhạc đồng quê của anh nam chính hát deep dễ sợ, càng về sau càng vô lý.

Đánh giá: 6/10.

The Bachelors

Còn The Bachelors, trời ơi quá hay!!!

review the bachelors
Poster của The Bachelors

Hồi chưa ra phim mình đã đi kiếm raw coi mà không kiếm ko ra, bẫng qua một thời gian quên mất, giờ coi cảm thấy thỏa mãn dễ sợ.

Nếu phải dùng một từ để miêu tả về The Bachelors thì có lẽ mình sẽ dùng từ “pain” – nỗi đau. Bộ phim là hành trình đi qua những nỗi đau.

Cốt truyện không rườm rà phức tạp, cũng không nghiêng về tình cảm yêu đương rỗng tuếch mà tập trung khắc họa sâu tâm lý nhân vật, đặc biệt khi phải chịu đựng nỗi đau, cả về thể chất lẫn tinh thần.

Nhân vật chính là 2 cha con nhà Palet, mở đầu với lời thoại của người bố nói với cậu con: “Bố không thể chịu đựng được nữa, mình phải rời khỏi đây thôi”. Rời khỏi đây, rời khỏi thị trấn mà khắp nơi đều là hình bóng về người vợ, người mẹ vừa mất.

Chính nỗi đau mất vợ, mất mẹ đã khiến 2 cha con trở nên khép mình, và sống một cách rất miễn cưỡng.

Có thể vì vẫn là một cậu nhóc mới lớn nên cách tiếp nhận nỗi đau mà Wes lựa chọn là cố gắng hòa hợp với cuộc sống mới và tập thích nghi nhanh hơn. Nhưng thấp thoáng trong từng thước phim, mình vẫn thấy đâu đó nỗi nhớ mẹ cồn cào của cậu bé. Điển hình như phân cảnh cậu nhỏ ngồi tua đi tua lại đoạn video cả gia đình đi picnic ở biển chỉ để nhìn mẹ, thật sự rất cảm động. Nỗi đau mất mẹ còn thể hiện ở cách cậu chạy bộ, lần nào cũng đứng bét. Giống như thầy Paul nói, khi chạy điều duy nhất mà bản thân cảm nhận được là nỗi đau, cả về thể xác lẫn tinh thần. Phải chăng vì cậu vẫn chưa nghĩ thông về mẹ, nên cậu không cách nào tiếp nhận được nỗi đau đó? Mình đặc biệt thích cách dùng hình ảnh chạy việt dã để nói về việc tiếp nhận nỗi đau.

Còn người bố, phải nói là J.K Simon diễn quá đạt, không hổ là diễn viên từng nhận tượng vàng Oscar. Mỗi phân cảnh của ông, mỗi một lời thoại đều khiến mình cảm nhận được cái gì đó nghèn nghẹn, rằng ông vẫn đang tự gặm nhấm nỗi đau dù bề ngoài tỏ ra mình vẫn ổn. Dù đã đi điều trị tâm lý, uống những viên thuốc “vui vẻ” nhưng ông vẫn không thể nào chấp nhận được hiện thực là Jeanie yêu dấu đã rời xa ông mãi mãi. Khi ông quen với Carine, ông cảm thấy như mình đang phản bội lại Jeanie, khiến căn bệnh trầm cảm của ông ngày càng trở nên trầm trọng. Một trong những cảnh khiến mình không cầm được nước mắt là khi ông sắp xếp lại di vật và dọn dẹp đồ đạc cũ của vợ, từng hồi ức như thước phim nhựa chầm chậm tua lại. Đó là khoảnh khắc mà ông vừa đối mặt với nỗi đau mà cũng vừa thông suốt được nỗi đau. Ông quyết định bắt đầu lại, bởi vì cuối cùng, con trai của ông mới là người quan trọng nhất ở hiện tại. Cậu nhóc ấy đã phẫn nô,̣ vừa khóc, vừa ném đồ đạc, vừa hét lên với ông rằng ông có thể lựa chọn chết đi như mẹ, nhưng đừng dày vò cậu khi phải chứng kiến ông chết dần chết mòn như vậy.

Còn một nhân vật cũng không kém phần đáng thương là Lacy, cô bạn học chung lớp tiếng Pháp của Wes. Bởi vì gia đình không hạnh phúc, cha mẹ suốt ngày cãi nhau nên trong nội tâm cô bé cảm giác rất cô đơn. Phải cực đoan đến mức nào mà Lacy chọn cách lẳng lặng dấu dao ở nhà vệ sinh nữ, mỗi lần rạch một đường lên tay mình? Cũng giống như mọi cô nhóc tuổi teen khác, cô uống rượu và sống buông thả để quên đi. Mình có thể cảm nhận được, sau vẻ ngoài lạnh lùng, gai góc là nội tâm vô cùng yếu đuối của cô bé, chỉ câu hỏi nhẹ của cô giáo dạy tiếng Pháp cũng đủ khiến cô bé bật khóc. Lúc coi những phân cảnh của Lacy và Wes mình đã nghĩ: À hóa ra mỗi hoa mỗi lá, mỗi nhà mỗi cảnh. Thì ra đau là điều không tránh khỏi, chỉ là một kiểu đau khác mà thôi.

Nói đi cũng phải nói lại, dù khai thác khía cạnh nỗi đau, nhưng phim không phải kiểu dằn xé hay buồn day dứt. Từng phân cảnh được lồng ghép khéo léo khiến mình có cảm giác như cuộc sống thường nhật. 2/3 đầu phim có những tình tiết khiến mình cười ngặt nghẽo, cười không nhặt được mồm. Ví dụ như đoạn Wes dập Mason, mấy câu thoại hài chết đi được.

Wes and Mason in The Bachelors
Duy trì nòi giống =))

Funny moment in the bachelors

Hay trong buổi hẹn hò đầu tiên, Bill với Carine nói về cá vàng xong Carine làm khẩu hình miệng con cá khiến mình cười đau bụng.

Funny moments of Bill and Carine in The Bachelors
Trông tui giống cá hơm =))

Thêm nữa là loveline giữa cặp trẻ và cặp già đáng yêu lắm lắm luôn. Cuối phim ai cũng có đôi có cặp hết nên không uổng công sụt sùi cả phim 🙂

The Bachelors ending scene
Phân cảnh tuyệt vời nhất phim 🙂

Và như mình đề cập ở trên, cốt truyện không phải về tình yêu nam nữ đơn thuần, mà trên hết là tình thân. Nếu như không có Wes, có lẽ ông Bill sẽ không đứng dậy nổi sau nỗi đau mất vợ. Wes cũng không thể sống nổi nếu thiếu đi bố sau nỗi đau mất mẹ. Vì gia đình không hạnh phúc, Lacy mới trở nên cực đoan và cô đơn như vậy. Thế nên, gia đình không chỉ là nơi để quay về, mà còn là chỗ dựa tinh thần cho mỗi một thành viên. Khi một cá nhân ý thức được mình vẫn còn si đó để yêu thương, trân trọng, họ mới biết nỗ lực để yêu thương chính bản thân mình.

Mà nhân tiện, bài nhạc cuối phim Take you home của Scar on 45 rất hay, mình đang nghiện đây.

Đánh giá: 8.5/10.

Bình luận