Posted in Điện ảnh, Văn học

[Review sách] The perks of being a wallflower – Stephen Chbosky

“The perks of being a wallflower” (Điệu vũ bên lề) trước giờ luôn nằm trong list những movie tuổi teen mà mình cực thích, thỉnh thoảng cao hứng mình sẽ xem lại. Bộ phim và tiểu thuyết gốc chắc đã quá nổi tiếng với các anh chị thời cuối 8x đầu 9x, mà mình có lẽ được tiếp thu cái văn hóa phim ảnh và sách báo từ bà chị nên gu phim và truyện của mình có hơi cũ một chút so với bạn bè cùng lứa.

Mình còn nhớ lần đầu coi phim hình như là hồi cấp 3. Coi xong, mình thích đến nỗi đi mua luôn tiểu thuyết gốc tiếng Anh để đọc. Nhưng mà ngày trước ở Đà Nẵng không có chỗ bán tiểu thuyết tiếng Anh (và đến giờ vẫn khó mà kiếm được chỗ bán), mình phải đặt mua ở một tiệm sách cũ trong Sài Gòn, chờ hơn 1 tuần sách mới đến tay. Hồi đó tiếng Anh của mình chua lè, đọc được vài chữ lại phải tra từ điển. Gấp cuốn sách lại nói hiểu thì có hiểu nhưng cảm giác cứ mông lung, mơ mơ hồ hồ. Bẫng đi một thời gian, giờ đọc lại mới nhận ra cuốn sách nó tuyệt vời như thế nào. Đây có lẽ là cuốn young-adult mà mình thích nhất (cho đến thời điểm hiện tại).

Nhân vật chính là Charlie, một cậu bé 15 tuổi chập chững bước vào trung học. Charlie sợ chú ý, ngại va chạm. Cậu không có bạn, luôn cảm thấy lạc lõng khi ở trường học. Trong lớp, cậu không bao giờ giơ tay dù biết câu trả lời. Charlie điển hình là một “Wallflower” – một cậu bé nhút nhát, sống khép mình và khá nhạy cảm. Tại những bữa tiệc, trong những buổi khiêu vũ, khi mọi người thoải mái cười đùa vui vẻ, Charlie thường đứng tách biệt, lưng dựa sát vào tường, giấu mình trong bóng tối và quan sát những người bạn của mình. Cậu e ngại và chẳng có dũng khí để “participate”.

Review sách The perks of being a wallflower

Mình thật sự rất vui vì đã không bỏ lỡ tiểu thuyết gốc, bởi cái hay là nó làm sáng tỏ mọi thứ một cách đầy đủ và chi tiết. Một người hướng nội và nhút nhát như Charlie không phải bản chất vốn dĩ đã vậy, mà bởi cậu đã trải qua rất nhiều chuyện trong quá khứ. Quá trình trưởng thành, hoàn cảnh sống, gia đình và bạn bè xung quanh đều có phần tác động không nhỏ đến tính cách và lối suy nghĩ của Charlie.

Nếu như phim chỉ đề cập đến chuyện gia đình và mối quan hệ bạn bè một cách thoáng qua, thì ở truyện, người đọc được cảm nhận sâu sắc sự lạc lõng và rối rắm của những cô bé cậu bé tuổi teen, phải đấu tranh để vượt qua nỗi bất an và ảnh hưởng tiêu cực ngay chính trong gia đình và những người xung quanh. Đó là Michael, cậu bạn thân của Charlie, người đã dùng súng để kết liễu đời mình khi mới là một cậu học sinh cấp 2. Đó là dì Helen, người Charlie vô cùng yêu quý, đã trải qua một tuổi thơ bị bạo hành và lạm dụng, để rồi khiến Charlie bé nhỏ trở thành nạn nhân mà không ai hay biết. Cái chết của dì trở thành nỗi đau và vết thương tâm lý của Charlie, khiến cậu phải điều trị một thời gian dài ở bệnh viện trong thời niên thiếu. Hay ông ngoại của Charlie, một người cha nghiện rượu nặng nề, luôn mồm mắng chửi con cháu, người đã khiến mẹ cậu ủy khuất và dì Helen bị đối xử tàn tệ thuở nhỏ. Đó là khi Charlie đủ lớn để biết, bố cậu là anh em cùng mẹ khác cha với những anh chị em trong nhà nội. Rằng ông đã trải qua một tuổi thơ khốn khổ với người cha nghiện ngập thường xuyên bạo hành mẹ mình, rồi một ngày, người bác (anh trai bố Charlie) đã đánh cha dượng đến nỗi nhập viện và qua đời. Hay lúc Charlie dùng chiếc xe lái còn chưa vững để đưa chị mình đi phá thai. Là khi Charlie thầm mến Sam và phát hiện cậu bạn Patrick là gay. Và còn rất nhiều thứ, rất nhiều mẫu chuyện vụn vặt khác được Charlie tỏ bày qua những lá thư không người nhận mà chỉ khi đọc truyện bạn mới rõ được.

Nhưng cũng đừng vì thế mà lầm tưởng rằng, quyển tiểu thuyết này chỉ toàn những thứ tiêu cực và đau buồn. Không, hoàn toàn không phải vậy. Đọc truyện, bạn sẽ thấy Charlie thật may mắn khi sống trong một gia đình đủ đầy, cha mẹ thương yêu và bảo bọc con cái. Họ không so sánh hay thiên vị đứa này hơn đứa kia mà dành trọn tình thương cho mỗi người con trong gia đình. Đó là khoảnh khắc cả nhà sum vầy ngồi coi tập cuối show MAS*H, lúc bố và Charlie giữ cái bí mật nho nhỏ về chiếc sandwich và những giọt nước mắt, khi cả nhà lặng im coi trận bóng của anh trai, và cả những lời tâm sự chị gái chỉ nói với Charlie. Tất cả đều khiến người đọc mỉm cười khi nghĩ về một gia đình ấm cúng và đong đầy yêu thương.

Review sách The perks of being a wallflower

Và tất nhiên, điều làm nên sự tuyệt vời của cuốn sách chính là tình bạn. Những năm tháng cấp 3 của Charlie hẳn sẽ vô cùng tẻ nhạt và buồn chán nếu thiếu Sam, Patrick và hội bạn siêu bựa. Chính Sam là người đã khiến Charlie hiểu rõ dư vị của mối tình đầu – nụ hôn đầu. Rằng khi bạn thầm mến một ai đó, nhìn thấy họ hạnh phúc bên người khác mình rất buồn, nhưng thấy họ đau khổ sau chia tay, mình cũng chẳng lấy làm vui. Hay cảm giác ngỡ ngàng khi biết cậu bạn Patrick là gay, rồi đương lúc thất tình lại tặng luôn cho mình một nụ hôn sâu. Đó là những đêm diễn ở Rocky Horror Show, rồi túm tụm tụ tập quán Big Boy quen thuộc. Hay lúc Charlie được Mary Elizabeth tán, dù không muốn đổ nhưng bất lực phải vào tròng. Và cả những món quà vô cùng ý nghĩa và cảm động cho những người bạn trong trò Secret Santa. Những người bạn năm cuối, phóng khoáng và nổi loạn đó đã dần kéo Charlie khỏi vỏ ốc, giúp cậu sống những tháng ngày tuổi trẻ đong đầy và trọn vẹn. Với cậu, đó là hành trình trưởng thành, học cách chấp nhận bản thân và sống hết mình cho hiện tại.

Review sách The perks of being a wallflower

Và còn ti tỉ những điều tốt đẹp khác mà bạn chỉ có thể cảm nhận trọn vẹn khi đọc truyện. Những cuốn sách cực hay và những bài luận mà thầy Bill chỉ dành riêng cho Charlie, người thầy, người bạn đã động viên và chia sẻ rất nhiều điều với Charlie. Khi Charlie nhìn thấy chị gái bị bạn trai đánh nhưng vẫn tiếp tục hèn hò với anh ta, mình còn nhớ như in đoạn đối thoại của Charlie và thầy Bill:

– Why do nice people choose the wrong people to date?

– We accept the love we think we deserve.

That’s it. Đã là tình yêu thì làm gì có lý do, phải không?

Mình còn nhớ cuối truyện, có một đoạn trong lá thư của Charlie khiến mình nhớ mãi. Đó là câu chuyện của cô bác sĩ điều trị kể lại với cậu. Gia đình nọ có người cha nghiện rượu và hai người con trai. Người anh lớn lên trở thành một thợ mộc cực giỏi, trong khi cậu em lại trở thành kẻ nghiện rượu hệt như người cha. Khi được hỏi lý do, người anh đã nói rằng, rượu khiến cha trở thành một kẻ tàn tệ nên anh không muốn đụng tới nó dù chỉ một giọt. Còn người em lại đáp lại rằng, có lẽ cậu học cái thói xấu đó từ chính cha của mình chăng.

Charlie viết:

So I guess we are who are for a lot of reasons. And maybe we’ll never know most of them. But even if we can’t choose where we come from, we can still choose where we go from there. We can still do things. And we can try to feel okay about them.

Dù vỏn vẹn tầm 300 trang, “The perks of being a wallflower” của Stephen Chbosky đã truyền tải rất nhiều nội dung và thông điệp có ý nghĩa. Sách được viết ở ngôi thứ nhất, qua giọng kể của Charlie ở dạng những lá thư (với mình thì nó khá giống nhật ký). Dù đọc tiếng Anh nhưng mình thấy giọng văn khá giản đơn và dễ hiểu. Có lẽ vì đã lớn hơn một chút, từng trải qua thời cấp 3 lặng lẽ, từng đứng ngoài như một “Wallflower” nên khi đọc lại, mình cảm thấy thấm và thực sự “infinite”. Khép sách lại, mình dường như vẫn chìm đắm trong những bản nhạc, những mix tapes, những cuốn sách mà Charlie từng nghe, từng đọc.

Và có lẽ, mình sẽ không bao giờ quên được hình ảnh cả 3 ngồi trên con xe của Patrick, Sam đứng trên thùng xe, khi đi qua chiếc hầm, văng vẳng tiếng radio bài Heros của David Bowie. Khi đó, Charlie đã nói một câu vô cùng ý nghĩa:

I feel infinite.

Review sách the perks of being a wallflower stephen chbosky

Tuổi trẻ là vô tận, đúng không bạn?


Góc nhỏ của Annie là blog phi lợi nhuận, miễn phí cho tất cả bạn đọc và không chạy quảng cáo. Sự ủng hộ của bạn là điều không thể thiếu giúp blog tiếp tục tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Bạn có thể ủng hộ cho blog tại ĐÂY nhé! ^^

Bình luận