Sau những chuỗi ngày đi làm trong vô thức, lăn tăn suy nghĩ về nghề nghiệp, nghe podcasts, đi hội thảo, coi Youtube của các tiền bối và chuyên gia trong những ngành có liên quan đến ngành học của mình, mình nhận ra con đường sự nghiệp rất hiếm khi là một đường thẳng. Phải có mục tiêu, hiểu rõ năng lực và biết bản thân mình thích hay muốn trở thành người như thế nào, quyết tâm đến cùng thì mới có thể đi đúng chính xác theo con đường đã vạch ra. Nhưng khổ là thời học sinh chỉ biết cắm đầu vào học, chưa có trải nghiệm thực tế, cứ tưởng bước qua được cánh cửa đại học thì mọi chuyện sẽ được giải quyết. Và rồi lúc chọn ngành, vì không biết mình thích gì, cứ nhè ngành hot-điểm cao-trường top, tìm trên Google ngành nào sau này dễ xin việc thì điền nguyện vọng. Ai mà biết nó có phù hợp với mình hay không?
Khi choai choai bước chân vào giảng đường đại học, ôi sướng quá năm nhất ơi! Không phải mang áo dài nóng nực, tha hồ chuồn học không cần xin phép, thích học thì học, thích chơi thì chơi. Qua năm 2 mới bắt đầu lo lắng, không biết học ra rồi sau này làm gì nhỉ. Đọc sách self-help và nghe người khác thật hay, mỗi lần như vậy bản thân đều như được truyền thêm rất nhiều động lực, nhưng cũng không kéo dài được bao lâu. Niềm hứng khởi nhanh chóng qua đi, nỗi hoang mang lại quay về, vì suy cho cùng, chúng đều là tác nhân bên ngoài. Mình thích gì, muốn trở thành người như thế nào, công việc mà người ta chia sẻ có phù hợp hay không, chỉ có khi bắt tay vào làm rồi mới biết.
Khi bắt đầu đi làm, mình mới thấm thía lời khuyên phải tích luỹ kinh nghiệm và kỹ năng từ thời còn ngồi trên ghế nhà trường. Thực ra từ thời sinh viên mình cũng tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khóa, cũng tìm tòi, vọc cái này, học cái kia, nhưng việc học, cập nhật và bổ sung kiến thức và kỹ năng chưa bao giờ đủ. Càng làm lại càng phát hiện mình thiếu nhiều kỹ năng quá. Có những thứ đơn giản đến không thể giản đơn hơn nhưng vẫn cứ làm sai. Không cách nào khác, không biết thì hỏi, ngu thì học, sai thì sửa. Ai mà không trải qua cái giai đoạn “Fresher”, “Junior” cơ chứ?
Cũng giống như việc học IELTS vậy, từ Beginner lên Intermediate đi rất nhanh, nhưng từ Intermediate lên Advanced thì bắt đầu lết với tốc độ rùa bò. Nhiều lúc rỗi lại chống tay lên trán nghĩ, ngày xưa mình biết sớm mấy thứ này mà lo học trước thì tốt quá. Bởi thực tế, vừa học vừa làm nó cực chảy nước mắt, chẳng qua vì miếng cơm manh áo và tương lai nên cắn răng thức khuya dậy sớm mà cày cuốc. Đó là chưa kể mấy hậu bối giỏi quá trời, công nghệ và thị trường thì thay đổi và phát triển ngày một, tương lai máy móc có khi thay thế hoặc cắt bớt phần việc mình đang làm, giờ mà không lo trau dồi kiến thức và kĩ năng thì khéo cũng bị đào thải sớm. Trong cái thời đại công nghệ 4.0 này, cái tư tưởng “1 nghề cho chín còn hơn 9 nghề” rồi cũng ra đi sớm, nhân viên thời nay ai cũng full-stack cả. Làm 1 nghề cho chín, nhưng 8 nghề còn lại cũng phải biết một tí. Tiền lương thêm hay bớt vài triệu nhiều lúc cũng chỉ vậy thôi.
Ra đi làm rồi mới thấu, ai quy định tui học ngành A thì nhất định phải làm ngành A? Tui vẫn có thể làm ngành B hoặc C nhờ vào những kĩ năng tích luỹ ở ngành A đấy thôi. Ví dụ như mấy thanh niên từ Engineer lượn nhẹ sang Designer, mấy em từ Accounting lượn nhẹ sang HR hay Bán bảo hiểm. Hoặc có người làm ngành A rồi mới phát hiện, hình như mình hứng thú hay phù hợp với ngành B hoặc C hơn. Lúc này mới cố gắng trau dồi kiến thức và kĩ năng cần thiết qua sách báo, online courses, networking, thậm chí là học thêm cái bằng nữa, hay học cao học để có thể làm ngành B hoặc C.
Không biết có ai thời còn nhỏ từng nghĩ, tui học Marketing xong thì nhất định phải học tiếp Master in Marketing hay MBA, kiểu gì cũng phải có học vị Thạc sĩ, hoặc là “rùa hải ngoại” thì mới được làm sếp?! Sau này thì mình mới biết, thật ra làm đến một level nhất định, nếu muốn phát triển hơn thì phải bổ sung kiến thức thêm những mảng khác, hoặc là đào sâu nhưng ở một mức độ khó hơn. Ví dụ như nhiều bạn học MIS nhảy sang làm BA, phải bổ sung kiến thức mảng Business. Bạn học Marketing nhưng muốn làm ở những vị trí Strategic cao hơn, có cái nhìn tổng quan về Market, mấy thứ như Finance, Logistics, HR, thậm chị là Digital và Code, đều phải biết một chút, thì có thể suy nghĩ học thêm MBA. Đã qua rồi cái thời học chỉ để có cái bằng nhé!
Chưa kể tới nhiều trường hợp, một người có thể làm nhiều ngành và kiếm sống bằng ngành phụ trong lúc học để làm ngành chính. Ban ngày cãi nhau với khách hàng, làm office work xong tối về viết sách. Cứ thử lên Quora mà xem, mấy câu hỏi như kiểu “Tui có background ở ngành A, tui có thể chuyển sang ngành B không? Tui cần học thêm kĩ năng gì để làm được ngành này, mấy ông trả lời giúp tui với” nhiều không đếm xuể.
Mình biết là vì…
Mình cũng toàn đi search vậy à.
Vậy nên, lời khuyên chân thành của mình dành cho các bạn đang hoang mang không biết hướng đi nào cho tương lai, đó là chuẩn bị cho bản thân mình một cái đầu tỉnh táo, một cái “right mindset”.
“It’s okay to be wrong sometimes.”
Ai có thể làm đúng ngay từ đầu cơ chứ? Làm nhiều lần rồi mà vẫn có thể sai sót, huống hồ chúng ta đều là lần đầu đối mặt với những thứ như nghề nghiệp và công việc. Nên bạn thân mến, cứ dũng cảm lựa chọn đi, bởi không bao giờ là quá muộn để bắt đầu làm thứ bạn cho là đúng đắn. Nếu như bạn đủ niềm tin vào chính mình và ngừng so sánh bản thân với bạn bè và những người xung quanh, kiểu gì bạn cũng đến đích thôi.
Hôm nay mình tình cờ xem video phỏng vấn một anh bạn đang làm Business Analyst ở một công ty IT, bạn biết ngày trước ảnh học gì không? Ảnh học đại học chuyên ngành History and Geography, học Master ngành Media and Journalism, nhưng thích Data Science nên vừa đi làm ngành Hospitality vừa học thêm cái bằng nữa. Ảnh giải thích rằng việc học History và Geography dù chẳng liên quan nhưng giúp ảnh có kỹ năng Research, ngành Media và Journalism giúp ảnh có cái nhìn bao quát về thị trường, truyền thông xã hội và khả năng giao tiếp, thuyết trình. Tất cả những thứ ảnh học và kỹ năng anh trau dồi qua năm tháng đã giúp anh tìm được công việc hiện tại mà anh thích, tuy có hơi lòng vòng tí, vì ảnh cũng nhảy việc từ ngành Hospitality sang, nhưng ảnh rất hài lòng và yêu công việc hiện tại của mình. Vì thế, ảnh chưa bao giờ hối hận vì những lựa chọn khi trước.
Nếu bạn nào dùng mạng xã hội LinkedIn, dạo một vòng và nghía qua profile của các Manager ở các công ty, nhìn vào phần Education nhiều khi bạn sẽ thấy sốc. Có người học Hospitality hoặc Linguistics rồi chạy qua làm Data Analyst. Hoặc là học Finance or Accounting nhưng rồi lại đi làm Digital Marketing. Thế giới đúng là muôn màu hình vạn trạng, đúng không? Nên lời khuyên nhỏ cho các bạn muốn chuyển ngành hay nhảy việc là hãy lên LinkedIn đọc và phân tích profile của các bậc tiền bối đang làm trong lĩnh vực bạn muốn theo đuổi, xem ngành học/bằng cấp, kiến thức và kỹ năng cần thiết nào giúp họ có thể làm được công việc đó, rồi quay lại xem xét bản thân mình, thiếu cái gì thì đi bổ sung thêm. Internet là một thế giới rất tuyệt vời, chỉ cần biết chút tiếng Anh và search Google hoặc Youtube, mọi vấn đề đều sẽ được giải quyết. Bạn hoàn toàn có thể ngồi nhà rảnh rồi lên xem mấy video phỏng vấn những người trong ngành, nghe họ chia sẻ về trải nghiệm và môi trường làm việc để mường tượng ra những gì mình cần. Như kiểu Career Insight hay Life at Google í.
Thế nên, dù hiện tại bạn ghét cay ghét đắng chuyên ngành đang học, không hài lòng với công việc hiện tại, nhưng lại chưa biết bản thân thích hay phù hợp với thứ gì, hoặc là chưa đủ khả năng để làm điều đó, thì cứ cố gắng tích luỹ và làm tốt nhất những thứ đang có. Tất cả những kỹ năng và kiến thức học tập và tích luỹ qua năm tháng chưa bao giờ là thừa thải hay vô dụng cả. Rồi sẽ đến lúc bạn dùng đến chúng, và biết ơn vì có chúng nên bạn thật đặc biệt. Tuy chúng không phải là điều kiện đủ để bạn làm được công việc bạn thích, nhưng là điều kiện cần để bạn thuyết phục nhà tuyển dụng cho bạn một cơ hội để thử sức, hoặc đơn cử là tận dụng chúng để học những thứ khác một cách nhanh và thông minh hơn.
Ví dụ như chính mình, vốn có background tự nhiên nhưng lại học chuyên ngành thiên về xã hội. Chính tính logic và tỉ mỉ, khả năng đào sâu vấn đề và tự nghiên cứu, vốn là những đặc tính của ban tự nhiên, được mình sử dụng hằng ngày như một công cụ để giải quyết mọi vấn đề: từ việc giao tiếp, viết lách, tự học đến công việc. Hay việc học chuyên Hoá giúp mình đọc và nghiên cứu về hoá thực phẩm hay dược phẩm có phần dễ dàng hơn, từ đó biết cách ăn uống như thế nào cho tốt cho sức khoẻ và bảo vệ bản thân.
Đôi khi chúng ta hoang mang vì ngoài kia có quá nhiều lựa chọn và cơ hội, không biết lối đi nào mới dành cho bản thân. Và rằng ta có thể mượn những câu chuyện thành công trên để truyền động lực và cảm hứng cho chính mình, nhưng chẳng “copy and paste” con đường của họ được. Vì mỗi người một năng lực, mỗi người một sở thích, mỗi người một chọn lựa nên mỗi người sẽ có một con đường khác nhau, mỗi người sẽ có định nghĩa khác nhau về “thành công”. Chúng ta có thể tham khảo, nhưng đừng so sánh hay bắt chước, chỉ tổ tốn thời gian và khiến bản thân mệt mỏi thêm thôi.
Thế nên, nhiều lúc việc bạn cần làm, đơn giản chỉ là cố gắng làm tốt nhất những gì đang có, và không ngừng phấn đấu, trau dồi kỹ năng và kinh nghiệm để theo đuổi thứ bạn thích, công việc bạn hằng mơ ước. Nhìn mọi thứ dưới con mắt của “cơ hội” thay vì “rủi ro”.
Tất cả, thực chất chỉ đơn giản vậy thôi.
Góc nhỏ của Annie là blog phi lợi nhuận, miễn phí cho tất cả bạn đọc và không chạy quảng cáo. Sự ủng hộ của bạn là điều không thể thiếu giúp blog tiếp tục tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Bạn có thể ủng hộ cho blog tại ĐÂY nhé! ^^
<3