Posted in Tản mạn

Chút trầm mặc trước bức ảnh “La Jeune Fille a la Fleur”

Bức ảnh mà chúng ta đang xem đây là một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất của nhà nhiếp ảnh kỳ cựu người Pháp Marc Riboud, có tên là “Bông hoa trước nọng súng lưỡi lê” (The Ultimate Confrontation: The Flower and the Bayonet / La Jeune Fille a la Fleur). Jan Rose Kasmir, cô nữ sinh trung học lúc bấy giờ đang cầm trên tay bông hoa cúc và đối mặt với lưỡi lê của lực lượng chống bạo động trong sự kiện Cuộc tuần hành Lầu Năm Góc nhằm kêu gọi chính phủ Mỹ rút toàn bộ binh sĩ đang tham chiến tại Việt Nam vào năm 1967.

Cô gái nhỏ bé khi ấy đã nói với các binh sĩ rằng: “Tôi không làm hại anh, vì thế anh sẽ không hại tôi. Chúng ta cùng tuổi, chúng ta sẽ không làm nhau bị thương chứ?”

Cảm động trước tấm lòng của cô nữ sinh 17 tuổi, nhiếp ảnh gia Riboud đã chớp lấy khoảnh khắc ấy bằng những tấm phim cuối cùng ở trong máy mà không hề biết bức ảnh ấy sau này đã trở thành biểu tượng cho cả thời kỳ phản chiến, cũng như biểu tượng về tình yêu và hòa bình.

Và bạn biết không, Riboud kể lại khoảnh khắc chụp bức hình lịch sử ấy rằng: “Cô ấy chỉ cố gắng nhìn vào mắt của các binh sĩ và cố gắng bắt chuyện với họ. Tôi có cảm giác những người lính ấy còn sợ cô ấy hơn là bản thân cô ấy sợ những lưỡi lê trên tay họ.” Không phải những họng súng đăm đăm hướng về đối phương, mà vẻ đẹp của tình người và lòng hướng thiện đã lay động trái tim của con người, chúng cao lớn và mạnh mẽ hơn bất kì thứ gì. Với mình, nghĩa cử ấy vừa đẹp, lại vừa thê lương.

Và cũng chính nhờ bức ảnh này mà 30 năm sau, nhiếp ảnh gia người Pháp đã gặp lại và biết tên cô gái trong bức ảnh, khi đó đang cầm trên tay bức hình của chính mình tham gia một cuộc biểu tình khác ở Luân Đôn nước Anh để phản đối cuộc chiến tranh Iraq.

Nhiều năm về sau, khi nhìn lại bức hình, Kasmir nói rằng: “Khi đó tôi đã rất buồn và đồng cảm với những người lính, và tôi chợt nhận ra, họ cũng chỉ là những thanh niên như bạn bè hay anh em của tôi, và họ cũng chỉ là nạn nhân chứ không phải cỗ máy của chiến tranh.”

Năm 2016, Riboud qua đời, trong bài phỏng vấn với Arsty, Kasmir chia sẻ: “Điều mà tôi ngưỡng mộ ở Riboud đó là niềm tin mãnh liệt của anh về hòa bình. Anh đi theo tiếng gọi đó, tham gia hết mình trong cuộc kháng chiến, thậm chí còn mạo hiểm cả tính mạng để đấu tranh cho tự do. Để rồi sau chiến tranh, những bức ảnh của anh lại một lần nữa thức tỉnh chính phủ Vichy của Pháp, lấy lại lòng tin của họ khi liên đới với Đức Quốc xã, và nhắc nhở họ rằng công dân nước mình là ai, và khiến những người dân Paris nhớ về phẩm giá và những điều tốt đẹp mà chính phủ đã từng mang lại.”

“Anh ấy cho tôi sức mạnh để tin vào chính mình. Nhờ anh mà tôi hiểu được vai trò và sự cống hiến của mình đủ lớn nhường nào mà tiếp bước trên con đường của anh. Đây là lời hứa với bản thân mà trước giờ tôi chưa từng xem nhẹ.”

Bức ảnh của Kasmir là minh chứng sống cho những hành động tưởng chừng như ngẫu nhiên và nhỏ bé lại có thể thay đổi hướng đi của một đời người. Tuy nó không đủ lớn để kết thúc cuộc bạo loạn nhưng đã thành công trong việc thu hút sự chú ý của toàn thế giới, lay động hàng triệu trái tim của những người mưu cầu tự do và hòa bình, mở ra một thời kỳ mới cho phong trào phản chiến ở nhiều quốc gia.

PS: Trong lúc lang thang ở các trang báo về nhiếp ảnh, mình tình cờ thấy được bức ảnh này. Mình thực sự rất cảm động vì câu chuyện đằng sau bức ảnh. Không phải bởi những gì vĩ mô như hòa bình và tự do trên thế giới, mà chỉ bởi Kasmir đã được truyền cảm hứng như thế nào nhờ Riboud.


Góc nhỏ của Annie là blog phi lợi nhuận, miễn phí cho tất cả bạn đọc và không chạy quảng cáo. Sự ủng hộ của bạn là điều không thể thiếu giúp blog tiếp tục tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Bạn có thể ủng hộ cho blog tại ĐÂY nhé! ^^

Bình luận