Nếu như ở bài viết trước, mình đã chia sẻ về việc mình bắt đầu tập tành viết Blog như thế nào, thì ở các bài viết tới mình sẽ nói kĩ hơn về việc mình đã lập và quản trị website ra sao. Mình không phải người dày dạn kinh nghiệm về lập trình web hay sành sỏi về công nghệ nên những điều mình viết ở đây đều là những lỗi sai mình từng mắc phải hay bài học kinh nghiệm mình rút ra trong quá trình làm. Nó có phần phù hợp với những bạn đang có ý định lập web cá nhân để viết blog hoặc còn là newbies. Những oldies ghé nhà nếu thấy những điều mình nói chưa đúng hoặc muốn bổ sung thêm thì hãy comment ở dưới để mình biết nhé!
Đầu tiên, nếu có ý định lập blog, hãy đọc kỹ bài hướng dẫn của anh Ngọc. Một người “mù công nghệ” như mình đã làm theo và ra được cái web nhỏ xinh này. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, mình bắt gặp khá nhiều vấn đề phát sinh và một mớ kiến thức mới toanh. Vì vậy, trong bài viết này, mình sẽ chi tiết hóa cách mình sàng lọc thông tin và giải quyết các vấn đề qua từng bước ra sao.
Bước 1: Xác định chủ đề Blog
Vì thích xem phim, nghe nhạc, đọc sách, lại thêm thường xuyên viết nhật ký nên mình lựa chọn viết những chủ đề thường nhật như:
- Review
- Tản mạn (nhật ký, suy ngẫm cuộc sống)
- Confessions (tâm thư phản hồi lại các confessions gửi đến mình)
- Kinh nghiệm (chia sẻ thủ thuật, tips)
Lẽ đương nhiên, với tư duy của một đứa Marketer, mình cần lên kế hoạch để tạo nội dung phù hợp với nhu cầu người đọc. Tuy nhiên, nếu chỉ viết về những thứ mà mọi người quan tâm, hút traffic như SEO, Marketing, quản trị website,v.v nhưng bản thân không hứng thú với những chủ đề này, thì mình nhất định sẽ cạn ý tưởng và bỏ cuộc sớm. Vì vậy, trước tiên mình chọn viết những điều mình thích trước, sau đó suy nghĩ cách tối ưu hóa để thu hút người đọc và kiếm tiền sau.
Bước 2: Chọn nền tảng Blog
Nếu chưa đủ tự tin viết lâu dài, kinh phí còn hạn hẹp thì bạn có thể tạo blog miễn phí ở WordPress.com để tập viết trước cho quen. Sau này muốn nâng cấp lên website thì chỉ việc export dữ liệu blog ở WordPress.com và import vào website của bạn ở WordPress.org. Các bạn có thể tham kháo các bước tại đây. Còn nếu bạn thực sự muốn nghiêm túc viết blog với thương hiệu cá nhân thì hãy chọn WordPress.org lập hẳn một Website luôn nhé. Bạn có thể tham khảo các lý do tại đây.
Bước 3: Chọn và mua tên miền (domain)
Tên miền và Hosting là gì?
Theo cách hiểu của một đứa low-tech như mình là như này. Nếu website bạn là một ngôi nhà thì tên miền chính là địa chỉ. Mỗi người sẽ có 1 địa chỉ nhà riêng và không được trùng nhau, tương tự như 2 người thì không thể dùng 1 địa chỉ email vậy. Chẳng hạn gocnhoannie.com là tên miền duy nhất và là của mình.
Còn Hosting giống như mảnh đất để chứa ngôi nhà bạn. Website bạn sẽ có các bài viết, hình ảnh, mã nguồn các thứ. Nơi chứa mấy thứ linh tinh đó là Hosting.
Chọn tên miền như thế nào?
Nếu muốn xây dựng thương hiệu cá nhân thì nên sử dụng tên của mình hoặc có chứa tên mình để dễ nhận biết. Nên chọn tên ngắn (không quá 15 ký tự), dễ nhớ, không gây nhầm lẫn hay khó type.
Mua tên miền ở đâu?
Có rất nhiều nhà cung cấp cho bạn lựa chọn. Nếu muốn mua tên miền quốc tế .org, .com, .net thì nên chọn những nhà cung cấp nước ngoài có tiếng như: Bluehost, GoDaddy, Namecheap, v.v. Nếu lấy tên miền .vn thì nên chọn những công ty lớn ở Việt Nam như Mắt Bão, AZDIGI, Nhân Hòa v.v.
Tuy nhiên, nhược điểm của các công ty trong nước khi mua tên miền .com là chi phí khá cao, chưa kể phải xác minh và đăng ký lằng nhằng. Đọc nhiều lời khuyên của các bạn hay viết blog thì cuối cùng mình quyết định chọn GoDaddy. Công ty này là ông trùm trong việc quản lý và phân phối tên miền thế giới, dịch vụ khá tốt.
Để mua tên miền quốc tế thì bạn cần thẻ ngân hàng Visa/Mastercard. Mình dùng thẻ Debit Visa của ACB vì nó mạnh về giao dịch quốc tế, đăng ký và lấy thẻ trong vòng 20 phút. Một số lựa chọn khác là Debit Visa/Mastercard của Vietcombank hoặc Techcombank. Bạn có thể lên trang web ngân hàng nghía qua biểu phí các dịch vụ đi kèm để chọn loại thẻ phù hợp với nhu cầu cá nhân. Riêng với tên miền trong nước thì chỉ cần thẻ ATM thông thường là được rồi.
Bước 4: Đăng ký Hosting
Vì độc giả của mình chủ yếu là người Việt sống tại Việt Nam nên khi mua Hosting có sever ở Việt Nam sẽ tốt hơn. Mình đã chọn AZDIGI (công ty chuyên cung cấp hosting của blogger Thạch Phạm) và chưa bao giờ hối hận vì quyết định này. Dịch vụ hỗ trợ rất nhanh và cực kỳ chuyên nghiệp. Chất lượng tuyệt vời, mức giá với mình cũng khá ổn.
Mình chọn gói Turbo Cloud Hosting, gói thấp nhất 55k/tháng, dung lượng ổ đĩa 1 GB. Lý do là bởi blog mình còn khá mới, chắc cũng chưa cần dung lượng khủng làm gì.
Mình đăng ký thử 3 tháng xem thế nào thì thấy chạy khá mượt và ít bị downtime. Mặc dù mình chuyển từ WordPress.com sang web này cũng khá nhiều hình và bài viết nhưng mới dùng hết tầm 1/5 dung lượng. Sau này nếu cần thì hoàn toàn có thể nâng cấp lên gói cao hơn.
Bước 5: Hướng dẫn cài đặt Blog WordPress
Tiếp tục đọc bước 5 ở bài viết của anh Ngọc ở trên để tiến hành cài đặt blog WordPress. Lúc này, chúng ta có 3 việc quan trọng cần làm:
- Thay đổi địa chỉ DNS của tên miền thành DNS của Hosting
- Kích hoạt giao thức bảo mật SSL cho tên miền
- Cài đặt blog WordPress trên cPanel
Không cài đặt được Blog WordPress trên cPanel?
Nếu khi cài đặt WordPress chạy bình thường thì tốt. Nhưng xui xui có thể sẽ hiện dòng chữ sau:
“WordPress cannot be installed in the Free version of Softaculous! Please notify your Server Admin to purchase the premium version of Softaculous!”
Lúc này thì đừng rối nhé. Cứ bình tĩnh liên hệ với nhà cung cấp Hosting, nhờ họ nâng cấp Softtaculous lên bản Premium thôi. Nếu bạn mua tên miền ở AZDIGI thì cứ truy cập website AZDIGI, vào làm phiền mấy anh kỹ thuật viên. Bạn điền thông tin ở góc phải màn hình và sau đó chat với bộ phận hỗ trợ hoặc gửi ticket cho bên kỹ thuật và bảo:
“Tên miền của mình là “tenmien.com”. Khi cài blog WordPress trên cPanel thì hiện ra dòng chữ như vậy. Nhờ bên kỹ thuật nâng cấp giúp mình Softtaculous lên bản Premium.”
11 giờ đêm mình vào nhắn tin vẫn còn người hỗ trợ. Tầm 5 phút sau thì bắt đầu cài đặt được.
Ok, vậy là website bây giờ đã chính thức xuất hiện trên internet rồi.
Bước 6: Thiết lập trang quản trị và website
Để truy cập trang quản trị, gõ tên miền với cú pháp: tenmien.com/wp-admin. Ví dụ trang quản trị blog mình sẽ là: gocnhoannie.com/wp-admin.
Ngôn ngữ trang quản trị
Bạn nên đổi ngôn ngữ trang quản trị sang tiếng Anh vì hầu hết các bài hướng dẫn đều sử dụng thuật ngữ tiếng Anh, điều này sẽ tiện cho bạn theo dõi và làm theo. Chưa kể một số trường hợp trời ơi đất hỡi phải đi search bằng tiếng Anh vì tiếng Việt không có. Bạn đừng lo vì đây chỉ là ngôn ngữ trang quản trị chứ không phải ngôn ngữ trang đích. Để đổi ngôn ngữ trang quản trị bạn vào: Thành viên -> Hồ sơ của bạn -> Ngôn ngữ -> English (United States).
Đổi xong thì sẽ thành thế này:
Ngôn ngữ trang web
Bây giờ mới là ngôn ngữ trang đích dành cho người đọc nè. Để kiểm tra, bạn vào: Settings -> General -> Site Language -> Tiếng Việt.
Chọn Theme
Để chọn Theme bạn vào: Appearance -> Themes -> Add new -> Install -> Activate.
Có mấy cú click thôi nhưng vì cầu toàn nên mình mất gần 2 ngày mới chọn được cái theme ưa ý, hợp với chủ đề blog, trong khi những bước trên chỉ làm trong vòng vài tiếng. Sau cùng, mình đúc rút được vài kinh nghiệm để chọn theme nhanh hơn như sau:
Xác định mục đích lập website
Như mình nói ở trên, mình lập website để viết blog. Cụ thể:
- Mình có thế mạnh viết review, các bài khá giống nhật ký
- Bài viết mang tính cá nhân
- Mình muốn người đọc tập trung vào nội dung hơn là hình ảnh.
Xác định các tính năng bạn muốn
Lúc này bạn cần phải quay lại tự hỏi bản thân: Bạn muốn điều gì ở cái theme này?
Cá nhân mình thì muốn chọn một cái theme đơn giản (1) nhưng tiêu đề nổi bật (2), chữ dễ đọc (3) để khách có thể tập trung vào nội dung (4) và load hình ảnh nhanh (5). Ngoài ra cần có thanh sidebar điều hướng (5), có thanh menu (6) và phần đề xuất các bài viết liên quan (7) để khách có thể đọc thêm các bài viết khác của mình. Theme này cần cá nhân hóa (8) một chút, phần nội dung chủ yếu, nhưng cần một hình ảnh minh họa đủ lớn ở đầu bài (9) khiến người ta muốn click vào đọc tiếp.
Thuận tiện cho SEO
Ai mà không muốn website của mình có thứ hạng cao và được nhiều người vào đọc? Bạn nhớ lướt qua các review và phần mô tả về khả năng SEO mà các lập trình viên đã thiết kế cho theme đó nhé. Tham khảo các yếu tố đánh giá một theme tối ưu về SEO tại đây.
Dễ dàng đọc trên nhiều thiết bị
Cái này là quan trọng nhất luôn ấy. Nhiều khi cài theme trên desktop nên quên béng việc kiểm tra giao diện và khả năng hoạt động trên các thiết bị khác. Điều này rất tai hại vì có theme trên desktop nhìn sương sương cực đẹp nhưng lên điện thoại rất khó đọc.
Nếu muốn kiểm tra theme trên các thiết bị khác, bạn vào Appearance -> Customize rồi lần lượt click vào 3 biểu tượng dưới để kiểm tra nhé!
Một số free themes tập trung vào nội dung
Sau khi cài một mớ theme, test đủ kiểu và xóa bất mỏi tay thì mình đã lọc ra được vài theme khá ưa ý. Chúng đơn giản, thích hợp cho blog cá nhân, tập trung vào nội dung và SEO ổn.
- Travel Minimalist Blogger (đơn giản, dễ đọc)
- Lucienne (sạch, gọn, dễ đọc)
- Tracks (đơn giản nhưng cực sang, nhưng không có sidebar)
- Scratchpad (mình đang dùng)
- Founder (bạn mình đang dùng em này)
Vì cài theme loại free nên một số tính năng sẽ bị giới hạn. Chúng ta chỉ có thể dặn lòng cài thêm một số plugin bổ trợ. Tuy vậy bạn cũng nên cân nhắc vì nếu cài nhiều plugin sẽ khiến web chạy chậm.
Vì sao mình chọn Scratchpad?
Đơn giản là vì nó phù hợp với tất cả những kỳ vọng của mình ở trên. Giao diện đơn giản, dễ đọc, có sidebar, menu, phần các bài viết liên quan và một số widget mở rộng khá hay. Em này cũng có vài hạn chế như không có phần Typography để tùy chỉnh font website hay chỉ có chế độ hiển thị full bài viết. Điều này khá bất tiện vì khách phải đọc hết bài này rồi mới đọc bài khác. Và hơn nữa, nó chiếm diện tích website mình, mất mỹ quan.
Sau một hồi vọc loanh quanh thì mình đã tìm được cách để khắc phục những điểm yếu trên. Trong bài viết tới mình sẽ chia sẻ cách bạn hiệu chỉnh và tối ưu hóa website cho phù hợp với các tiêu chí SEO.
Đón đọc bạn nhé!
Góc nhỏ của Annie là blog phi lợi nhuận, miễn phí cho tất cả bạn đọc và không chạy quảng cáo. Sự ủng hộ của bạn là điều không thể thiếu giúp blog tiếp tục tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Bạn có thể ủng hộ cho blog tại ĐÂY nhé! ^^