Posted in Kinh nghiệm

Chuyện viết Blog và lập Website (kỳ 3)

Sau khi cài đặt thành công blog WordPress và thực hiện vài thiết lập cơ bản ở bài viết trước, ở kỳ này mình sẽ tập trung vào các công cụ và cách thức tối ưu hóa website. Những gì mình viết dưới đây đều là những kinh nghiệm mình đúc rút được trong quá trình vừa học vừa làm. Nếu có gì chưa chuẩn, mong các pro thông cảm và bình luận góp ý để mình có thể cải thiện nhé!

Tối ưu hóa Permalink

Permalink (đường dẫn tĩnh) là đường link URL dẫn vào bất kỳ bài viết, page hay thư mục của website. Ví dụ bài viết này của mình có permalink như sau:

https://gocnhoannie.com/chuyen-viet-blog-va-lap-website-ky-3/

Đây được coi là một trong những kỹ thuật onpage SEO cực kỳ quan trọng. Một Permalink gọn gàng, có từ khóa chính không chỉ giúp website được Google đánh giá cao, mà còn giúp người đọc tin tưởng và biết mình đang đọc về nội dung gì. Mặc định WordPress sẽ để đường link ở dạng gồm cả ngày tháng và tên bài viết, nhưng không thực sự cần thiết. Mình khuyên bạn nên đổi nó sớm sang dạng chỉ hiển thị tên bài viết với những loại blog đơn giản như mình. Để đổi cấu trúc đường dẫn bạn vào: Settings -> Permalinks -> tick vào Post name.

Tối ưu hóa Permalink

Mỗi lần đổi thiết lập Permalink sẽ ảnh hưởng đến việc hiển thị bài viết trên các công cụ tìm kiếm. Nên với những bạn quên thiết lập mà đã lỡ viết một mớ bài thì có những giải pháp sau.

  • Sử dụng 301 Redirect
  • Dùng rel=“canonical”

Cụ thể cách thức thực hiện, bạn hãy tham khảo bài viết này.

Mặc dù đã biết cái dụ Permalink này nhưng sau khi export file từ WordPress.com về WordPress.org, loay hoay chỉnh cái này cái kia mình lại quên mất. May có bạn vào nhắc mình mới nhớ. 😥

Tối ưu hóa hình ảnh

Trước đây mình cũng không để ý việc chọn ảnh như thế nào, tối ưu hóa chúng ra sao, cứ quất đại lên blog cho đẹp là được. Từ khi chuyên mục điện ảnh ra đời, thi thoảng mình đi search thử Google thì phát hiện có kha khá hình ở blog được index ở tab Image của Google. Theo dõi ở phần stats thì mình thấy có kha khá bạn vào thăm blog mình đến từ việc tìm kiếm hình ảnh ở Google. Vậy thì tội gì mà không tối ưu hóa hình ảnh để tăng traffic và giúp blog mình được rank cao hơn với bài viết có từ khóa liên quan?

Đầu tiên để mọi người có thể search từ khóa ra ảnh của bạn thì nó phải chứa từ khóa mục tiêu và có liên quan đến bài viết. Mình lấy ví dụ ngay bài viết này: Chuyện viết Blog và lập Website (kỳ 3).

Đổi tên ảnh trước khi upload

Mình sẽ đổi tên file ảnh như trước khi upload là: “chuyen viet blog va lap website ky 3.jpg

Đổi tên file ảnh trước khi upload

Theo kinh nghiệm của mình thì không nên đặt tên có dấu hay quá dài, chỉ cần tập trung vào các từ khóa chính và tên bài viết là được. Cấu trúc trên được coi là tốt nhất để khi người ta tìm kiếm các từ khóa liên quan. Nhìn vào tên file thì người đọc hiểu ngay mình đang nói về chủ đề gì. Có nhiều trang web hướng dẫn cần đặt tên kiểu nối giữa các chữ bằng dấu gạch ngang: “chuyen-viet-blog-va-lap-website-ky-3.jpg”. Mình nghĩ thật ra cũng không cần, vì khi tải ảnh lên WordPress thì nó sẽ auto format lại theo cấu trúc có gạch ngang.

Điền nội dung thẻ Alt 

Alt tag hay Alt text được hiểu nôm na là phần mô tả được thêm vào hình ảnh trong trường hợp web không load ảnh, hoặc bị lỗi hiển thị thì công cụ tìm kiếm và người dùng vẫn hiểu được nội dung ảnh của bạn. Vì vậy, không nên bỏ trống thẻ alt tag mà nên điền cụm từ SEO (nếu có thể) liên quan đến bài viết. Càng nhiều thông tin liên quan xung quanh hình ảnh thì công cụ tìm kiếm càng cho rằng hình này quan trọng.

Đổi tên Title bức ảnh

Đây chính là lý do vì sao mình lưu tên file không dấu, ngăn nắp, không gạch ngang ngay từ đầu. Sau khi tải ảnh lên thì hệ thống tự auto điền ô này theo như tên mình lưu trước khi upload.

Viết caption

Em này có điền hay không cũng không ảnh hưởng đến SEO. Mình thường viết caption mỗi khi muốn nói thêm ý hoặc cụ thể hóa nội dung bức hình.

Tóm lại mình sẽ thiết lập như vậy:

Thiết lập hình ảnh trước khi đăng tải

Plugin Yoast SEO

Plugin này đã quá nổi tiếng bởi công dụng khủng của nó. Cách thức cài đặt bạn có thể tham khảo ở bài viết này. Sau khi thực hiện xong các bước thiết lập, trong quá trình viết bài, mình lại khám phá ra một vài công dụng của Yoast SEO:

Hiệu chỉnh bài viết hiển thị trên Google

Sau khi hoàn thành phần tiêu đề và nội dung cho độc giả, khu vực này chính là nơi bạn viết cho công cụ tìm kiếm tiêu đề (title), mô tả (meta description) sẽ hiển thị trên công cụ tìm kiếm (Google). Bạn cũng có thể điều chỉnh từ khóa trên Permalink của mình trong phần Slug.

Dùng Yoast SEO dể hiệu chỉnh meta description

Kiểm tra từ khóa tập trung

Chức năng này giúp bạn nhanh chóng kiểm tra nội dung mô tả (meta description) và Permalink trong phần Slug xem có phù hợp với từ khóa bạn nhắm tới không.

Yoast SEO kiểm tra keyword focus

Tận dụng thẻ Thẻ rel=”canonical”

Chức năng tránh trùng lặp nội dung với những bài viết khác.

Bổ sung thẻ Canonical URL bằng Yoast SEO

Ngoài ra còn có ti tỉ những chức năng tuyệt vời khác mà mình vẫn còn đang khám phá. Các bạn có thể tham khảo blog về SEO của Yoast SEO để biết thêm nhé.

Plugin Jetpack

Nếu từng dùng WordPress.com thì em plugin này chắc không còn xa lạ với các bạn nữa. Ưu điểm của Jetpack là tích hợp nhiều tính năng hay trong 1 plugin, khi cài em này thì bạn đỡ cài thêm các plugin hỗ trợ khác. Nhưng nhược điểm là cồng kềnh, trong khi mình chỉ cần dùng vài tính năng. Mình chỉ kích hoạt một vài mô-đun cần thiết, còn những mô-đun khác thì tắt để đỡ làm chậm site. Ở đây mình sẽ lưu ý một vài điểm để các bạn đỡ tốn thời gian vọc từng mô-đun.

Tab Security

Phần này mình bật hết. Riêng phần WordPress.com login thì chỉ bật nút đầu như trong hình. Nếu không, khi đăng nhập WordPress.com lại phải mất công verify bảo mật các thứ. Tốn thời gian mà không cần thiết.

Bổ sung thẻ Canonical URL bằng Yoast SEO

Tab Performance

Phần này cũng bật hết. Bạn có thể cân nhắc bật/tắt nút Lazy-loading image. Nếu bật nút này thì người dùng lướt tới đâu thì hình load tới đó. Tuy nhiên, trong 1 số trường hợp, nếu kéo nhanh, bài viết quá dài và nhiều hình thì thỉnh thoảng sẽ bị lỗi “Image failed to display”.

Lỗi Image failed to display:

Lỗi Image failed to display

Tab Writing

Phần Media nên tắt nếu site của bạn không bật chức năng slideshow

Jetpack plugin tab writing phần media

Phần Coposing nên bật hết.

Jetpack plugin tab writing phần composing

Phần Custom Content Type với blog như mình thì nên tắt. Chức năng này chỉ cần thiết với các web bán hàng khi muốn hiển thị nhận xét khách hàng (Testonimals) và thành tựu (Portfolio).

Jetpack plugin tab writing phần custom content types

Phần Theme Enhancement:

  • Infinitive scroll: mình chọn nút thứ 3 vì muốn khách có thể lướt xuống để đọc tiếp cho nhanh.
  • Nếu bạn muốn hiển thị chế độ trang 1-trang cuối thì chọn nút thứ 2. Còn nút 1 thì thiết lập theo mặc định của theme.
  • Nên tắt nút Jetpack mobile theme, vì nó làm xấu site mình, và cũng không cần thiết vì theme mình đã tối ưu hóa cho thiết bị mobile rồi.

Jetpack plugin tab writing phần theme enhancement

Phần Widget nên bật. Bạn có thể tận dụng khá nhiều tính năng mở rộng này để hiệu chỉnh (customize) theme.

Jetpack plugin tab writing phần widget

Phần Post by mail nên tắt. Mình vẫn thích đăng nhập và đăng bài như truyền thống cho bền. Phần WordPress.com toolbar có thể bật nếu bạn đã quen giao diện của WordPress.com. Mình thì tắt vì thấy nó không cần thiết.

Jetpack plugin tab writing post by mail and wordpress com

Tab Sharing

Phần Publicize connection giúp bạn tự động đăng bài lên kênh mạng xã hội đã liên kết. Ở đây mình tắt vì cảm thấy đăng thủ công dễ dàng hiệu chỉnh hơn.

Jetpack plugin tab sharing publicize connections

Phần Sharing ButtonLike Button dĩ nhiên nên bật.

Jetpack plugin tab sharing like button

Nhấn vào Configure Sharing Button để hiệu chỉnh cách hiển thị nút Like và Share trên các mạng xã hội khác.

Jetpack plugin tab sharing configure sharing button

Tab Discussion

Mình bật hết vì mình đều dùng chúng cả. Bạn có thể tắt một số nếu thấy không cần thiết.

Jetpack plugin tab discussion

Tab Traffic

Bật nút Related posts để hiển thị bài viết có liên quan.

Jetpack plugin tab traffic related posts

Short link có thể bật nếu cần. SitemapSite verification tắt nếu bạn đã dùng của Yoast SEO.

Jetpack plugin tab traffic site verification XML sitemap

Plugin Easy Google Font

Easy Google Plugin goc nho annie

Đây là một trong những plugin mình không muốn cài nhưng buộc phải cài. Khuyết điểm của theme Scratchpad mà mình chọn là không cho tùy chỉnh font Website. Plugin này giúp mình có thể chỉnh sửa được Paragragh, Title của Site và các Heading. Tuy nhiên phần Site Description lại không chỉnh được. Nếu bạn có giải pháp tốt hơn có thể bình luận ở dưới giúp mình nhé.

Plugin Classic Editor

Em này mình thực sự không muốn cài nhưng cũng phải cài. Từ sau khi WordPress update lên cái giao diện Gutenberg Editor để đăng bài thì mình thất khó chịu kinh khủng. Các block trong chế độ này vừa rối mắt, khó hiệu chỉnh mà còn hẹp hẹp. Chưa kể mỗi lần chèn link là nó lại lag lag.

Giao diện Gutenberg Editor

Vì vậy, mình cài em plugin này để dùng lại giao diện Classic cũ đã quen.

Giao diện Classic Editor

Plugin TinyMCE Advanced

Mình rất thích plugin này bởi nó hỗ trợ mình rất nhiều trong việc hiệu chỉnh văn bản. Với em này, mình có thể thay đổi kích thước font, chọn kiểu font mình thích và format theo ý mình.

Ích lợi của plugin Tiny MCE Advanced

XML Sitemap

Sitemap là gì?

Sitemap (sơ đồ trang web) là một tập văn bản chứa toàn bộ URL (đường dẫn) của một trang web. Sitemap giúp công cụ tìm kiếm (Google, Bing, Baidu, Yahoo, v.v.) có thể dễ dàng thu thập (crawl) và lưu trữ (index) thông tin website của bạn dễ dàng hơn.

Để kiểm tra Sitemap của một trang web, bạn chỉ việc gõ: “tenmien.xyz/sitemap.xml”. Ví dụ như website mình sẽ là: “gocnhoannie.com/sitemap.xml“.

XML Sitemap của Yoast SEO hay Jetpack?

Có rất nhiều plugin hỗ trợ trong việc tạo sitemap. Cá nhân mình đã dùng qua em Jetpack và Yoast SEO để thiết lập XML Sitemap. Mỗi em đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng. XML Sitemap của Yoast SEO có cấu trúc rõ ràng, nhưng lại không hiển thị sitemap cho hình ảnh. Còn XML Sitemap Jetpack có hiển thị sitemap cho hình ảnh nhưng cấu trúc trang web không được sắp xếp rõ ràng và chia thành các đề mục (category), thẻ (tag), bài đăng (post) v.v. như Yoast SEO.

Ví dụ về XML Sitemap của plugin Yoast SEO
XML Sitemap của plugin Yoast SEO
Ví dụ về XML Sitemap của plugin Jetpack
XML Sitemap của plugin Jetpack

Thế nên, nếu trang web mà hình ảnh thuộc bản quyền chính chủ là chủ yếu, nội dung chữ viết không nhiều thì nên dùng Jetpack XML sitemap. Còn với những blog đa phần là nội dung, có nhiều phân trang (pages), đề mục (category) thì vẫn nên sử dụng Yoast SEO XML sitemap. Sau khi nghía một vòng các web của nhiều blogger thì mình quyết định xài XML Sitemap của Yoast SEO. Để bật tính năng này ở Yoast SEO bạn vào: Yoast SEO -> General -> bật On XML Sitemap.

Chức năng XML Sitemap của Yoast SEO plugin

Xác thực Website với Google Search Console

Google Search Console là một công cụ miễn phí từ Google, giúp Google hiểu rằng chủ website là bạn. Công cụ này hữu ích ở chỗ nó thông báo cho bạn biết quá trình lập chỉ mục và phát hiện lỗi, giúp website được index nhanh hơn khi thêm sitemap. Đặc biệt, bạn có thể theo dõi lượng tìm kiếm xem khách hàng tìm những từ khóa gì để vào website bạn, tỉ lệ click/hiển thị và ti tỉ thứ hữu ích khác.

Đọc các thông số trên Google Search Console

Nếu như bạn đã cài Yoast SEO hoặc Jetpack thì việc xác minh rất dễ dàng. Bạn chỉ cần vào phần Settings của các plugin và tick vào ô Google Webmaster/Google Search Console verification. Ngoài ra có rất nhiều cách để bạn xác minh website, tham khảo thêm các cách khác ở đây. Sau khi xác thực xong thì việc tiếp theo là submit sitemap ở Google Search Console như sau:

Đầu tiên, gõ sitemap trên thanh trình duyệt với cú pháp: tenmien.xyz/sitemap.xml. Ở đây mình với website của mình sẽ là: gocnhoannie.com/sitemap.xml. Nhấn Enter.

XML Sitemap của Góc nhỏ Annie

Nếu dùng XML Sitemap của Yoast SEO, sitemap thì sẽ có đường link như sau: tenmien.xyz/sitemap_index.xml. Ở đây website mình là: gocnhoannie.com/sitemap_index.xml

XML sitemap Yoast SEO plugin Góc nhỏ của Annie

Bây giờ bạn vào: Google Search Console -> Sơ đồ trang web. Trong ô Thêm sơ đồ trang web mới, gõ phần đuôi sau tên miền của bạn, ở đây là sitemap_index.xml và nhấn Gửi.

Thêm sơ đồ trang web trong Google Search Console

Chậm thì 1-2 ngày, nhanh thì chỉ tầm trong bài tiếng là Google hoàn tất quá trình crawl và index các đường link bạn submit.

Chèn Code tracking của Google Analytics vào WordPress

Google Analytics là một công cụ rất hữu ích giúp mình thống kê được lưu lượng truy cập web mình từ nguồn nào, người xem ở lại trong thời gian bao lâu và có những hành vi như thế nào trên trang, v.v. Các thông số này giúp mình lập kế hoạch viết bài tốt hơn và biết cách quảng bá trang web mình qua những kênh nào. Sương sương một cái màn hình của Google Analytics như thế này.

Màn hình chụp Google Analytics

Việc chèn code tracking của Google Analytics vào website khá đơn giản. Bạn chỉ việc copy đoạn code tracking của Google Analytics và dán vào phần Theme Header là được. Cách làm cụ thể bạn có thể đọc tại đây.

Thẻ Read More

Như mình đã nói ở kỳ trước, một số theme chỉ hiển thị toàn bài viết chứ không phải phần tóm tắt để người đọc click vào đọc tiếp. Điều này khiến khách truy cập phải đọc hết bài này mới đọc được bài tiếp theo, tốn thời gian và có thể họ sẽ thoát giữa chừng. Chưa kể nó còn tốn diện tích website, cản trợ việc hiển thị nội dung các bài đăng khác. Mặc dù đã hiệu chỉnh trong phần Settings ở mục General, tick chọn Summary và điền phần Excerp trong từng bài đăng nhưng một vài theme vẫn không hiện phần thu gọn.

Thu gọn bài viết trong WordPress

Sau một hồi vọc xung quanh thì mình phát hiện công dụng hữu hiệu của thẻ Read More. Với mỗi bài viết, mình chỉnh cần click vào nút “Insert Read More Tag” sau một đoạn văn thứ nhất tầm 2-4 dòng, một đường răng cưa có chữ More ở giữa sẽ hiện ra.

Thẻ Read More trong WordPress

Khi thoát ra màn hình chính (Home), dưới phần tóm tắt mỗi bài viết sẽ hiển thị nút Continue Reading hoặc Read more (tùy vào thiết lập của theme), người đọc lúc này có thể tùy chọn đọc tiếp hoặc lướt xuống những bài tiếp theo.

Lời kết

Phù, vậy là mình đã đi một vòng những công cụ và thủ thuật về website mà mình biết. Viết xong bài này mình cũng review lại được kha khá kiến thức đã học trong quá trình làm. Có thể chúng chỉ là một phần nhỏ, nhưng mình hy vọng chút kinh nghiệm ít ỏi này có thể hỗ trợ thêm cho bạn trong quá trình quản trị và tối ưu hóa blog cá nhân.

Chúc bạn thành công 🙂


Góc nhỏ của Annie là blog phi lợi nhuận, miễn phí cho tất cả bạn đọc và không chạy quảng cáo. Sự ủng hộ của bạn là điều không thể thiếu giúp blog tiếp tục tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Bạn có thể ủng hộ cho blog tại ĐÂY nhé! ^^

2 thoughts on “Chuyện viết Blog và lập Website (kỳ 3)

  1. Chữ Read more thì có thể dùng plugin Easy custom auto except, còn muốn chỉnh giao diện thì can thiệp vào file style.css là có thể chỉnh màu sắc với font chữ hết. Ngoài ra mình gợi ý thêm vài plugin sau.
    Askimet: mặc định có rùi, nhưng vẫn phải kích hoạt key thì mới sử dụng được, để chặn spam
    BackWPup để backup bằng 1 click
    WP rocket để tăng tốc website, tuy nhiên đây không phải plugin miễn phí nên phải dùng bản lậu vì giá đắt xắt ra miếng
    WP Smtp và replyme để cấu hình email gửi thông báo
    Font chữ thì vào fonts.google.com để tìm

Bình luận