Posted in Tản mạn

Đâu mới là phương hướng đúng đắn?

Một buổi chiều với những suy nghĩ vẩn vơ, ngón tay mình bất giác gõ phím trong vô định, nghĩa là mình hoàn toàn không biết sắp tới đây mình sẽ viết ra điều gì. Chỉ là có một số chuyện để trong lòng thì rất khó chịu, nhưng nói ra thì lại không có đủ dũng khí, chi bằng dùng đôi ba câu chữ để biểu đạt vậy.

(1)

Có thể vì có quá nhiều lựa chọn, nào là lập trình viên, kỹ sư dữ liệu, nhà văn, dịch giả, Marketer, tư vấn tâm lý… nên mình mới hoang mang không biết lựa chọn nghề nghiệp nào, cái nào mới là đam mê, cái nào là phương hướng đúng đắn nhất.

Cho dù làm bất cứ công việc gì, điều mà mình luôn hướng tới đó là: Thông qua câu chuyện và việc làm của bản thân có thể giúp đỡ được mọi người, hy vọng chút công sức nhỏ nhoi này có thể khiến cuộc sống này trở nên ngày một tốt đẹp hơn.

Ngẫm nghĩ lại, thực ra chỉ cần đi theo tôn chỉ trên, không làm trái với lương tâm và giá trị cá nhân, thì loại hình công việc nào cũng không quá quan trọng. Suy cho cùng, nghề nghiệp chỉ là các phương thức khác nhau để mình kể câu chuyện của bản thân. Thay vì chọn ngành này nghề kia, chi bằng hãy chọn công việc dựa trên giá trị cá nhân.

(2)

Mình tự nhận bản thân là một kẻ mộng mơ sống trong một thế giới phũ phàng.

Khi làm các công việc kỹ thuật như lập trình viên hay kỹ sư dữ liệu, điều mà mình hướng đến không phải là chạy đua theo công nghệ và thể hiện bản thân giỏi giang ra sao, mà là thông qua bản thân có thể mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. So với việc làm công tác tuyên truyền, bán nó thế nào để thu được lợi nhuận cao nhất (Marketing), mình càng hứng thú với việc tự tay làm nó hơn.

Gần đây nhờ học tiếng Trung, mình được tiếp xúc với rất nhiều ứng dụng có giao diện xinh xắn và mang cảm giác bình yên. Mình hy vọng bản thân có thể tạo ra được một chiếc app “healing” như vậy. Bản thân mình cũng có một vài ý tưởng riêng về việc này. Ý nghĩ này loé lên thốt nhiên khiến mình băn khoăn, lựa chọn bỏ học CS là đúng hay sai, mình có đang luyến tiếc và cảm thấy râm rứt trong lòng khi chưa hoàn thành những việc còn dang dở? Mình có thấy phí hoài tư duy logic và khả năng phân tích của bản thân?

Hình như, câu trả lời là có. Viết code cũng có cái vui, chỉ là mình không phải kiểu người chạy theo số đông. So với việc chăm chăm vào khoe portfolio lên Github, cày coding interview questions, mình lại thích cảm giác làm việc gì đó có thể giúp ích cho mọi người hơn. Có thể đó cũng là lý do mình ghét cái ngành mình từng học, và đặc biệt ghét môi trường business.

(3)

Sở dĩ mình nói ghét việc chạy theo số đông là vì bản thân cũng từng là người như vậy. Hiếu thắng và chạy theo số đông, cộng thêm kiêu ngạo và cố chấp khiến mình tỉa tót và cố gắng làm mọi việc sao cho đạt ngưỡng tốt nhất. Chứ thực chất, ngày bé mình là chúa ẩu đã, chính mình đã ép bản thân tự rèn luyện tính tỉ mĩ và nhẫn nại qua thời gian. Nhưng có lẽ mình dùng nó sai cách, nên đến cuối cùng, sau khi hoàn thành mọi việc, ngoại trừ kết quả trông có vẻ hoàn mỹ, dường như mình cũng quên mất thế nào là vui vẻ, thế nào gọi là hưởng thụ quá trình.

Lúc làm lại MBTI test, mình mới hiểu tại sao bản thân lại là kiểu “emotionally detached” với những người xung quanh. Một trong những việc tai hại nhất mình từng làm là “loại bỏ hoàn toàn cảm xúc của bản thân”. Đây là điều mà mình từng chia sẻ trong một bài viết khác (Những lựa chọn ở tuổi 20). Chỉ cần cho mình một mục tiêu, mình nhất định sẽ tìm mọi cách để đạt cho bằng được, vui vẻ hay không vui vẻ dường như cũng không quan trọng lắm. Giống như hồi mình còn làm Account, giống như khi mình làm Data, giống như việc mình quay lại trường đại học, và cả việc mình bắt đầu học Code.

Cho tới tận bây giờ, mình vẫn chưa bỏ được việc bất giác làm một việc gì đó để chứng minh cho người đời thấy và công nhận. Đây là thói quen mà mình đã tự tạo ra từ khi bé, một phần do khi bị so sánh với chị gái, mình thường tìm cách để thể hiện với những người xung quanh là mình không hề thua kém. Nào là đi học thêm lại chỗ thầy cô từng dạy chị mình, chọn học môn chuyên giống chị, thậm chí luyện chữ sao cho giống chị ấy. Một mặt, mình rất ngưỡng mộ và thần tượng chị mình – người được coi là có sức ảnh hưởng rất lớn đến tính cách và nhiều quyết định quan trọng trong cuộc đời mình, mặt khác, mình cũng rất hận chị ấy, hận vì sao mình sinh ra lại làm em, hận vì sao ngày bé không một ai nói với mình là “mình cũng có năng lực”. Vậy nên khi chị mình đi du học, khi mình bắt đầu học cấp 3, vào đại học, tốt nghiệp và cho đến ra trường đi làm, khi cái bia ngắm mình luôn chạy theo để bắn cho tới đích không còn nữa, mình lạc lối.

Đến hiện tại, dù cố bỏ đi những thói xấu ngày bé như hay ganh tị, chạy theo số đông, mình vẫn không có cách nào tự tin nói rằng: mọi thứ đều đã được dọn dẹp sạch sẽ và sắp xếp đâu vào đấy. Mình vẫn phải dành rất nhiều thời gian hồi tưởng và soi chiếu để tự điều chỉnh lại trạng thái phù hợp cho bản thân.

(4)

Nói ra điều này ra kì thực rất xấu hổ. Dù luôn cố gắng khiến những câu chữ viết ra có thể động viên và bầu bạn cùng mọi người, hoặc chí ít mang lại cảm giác an yên và nhẹ lòng, khi viết, bên trong mình là một mớ hỗn độn, rối tinh rối mù. Đọc lại những bài viết cũ, chợt nhận ra 2 năm rồi, đã có những lúc mọi chuyện không ổn đến mức mình phải dùng câu chữ để tự mình trấn an và cổ vũ bản thân. Viết ra được, mọi chuyện tự dưng sẽ thông suốt.

(5)

Đợt rồi bắt đầu học tiếng Trung một phần là vì đã thích từ lâu nhưng không có thời gian, một phần là vì chạy trốn khỏi những thứ khiến mình mỏi mệt, cũng là để thử xem nếu bỏ hết tất cả những thứ ở hiện tại, liệu bản thân có cảm thấy nuối tiếc không. Hoá ra, khi bắt đầu từ bỏ một thứ gì đó, chúng ta mới hiểu chúng quan trọng như thế nào, cũng biết được cái gì gọi là không cam tâm.

Quãng thời gian nghỉ ngơi này khiến mình bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn về định nghĩa “cuộc sống trọn vẹn”. Thì ra mình không thể chọn một mảnh ghép trong bức tranh lớn mà “tôn sùng” nó là duy nhất và quan trọng nhất được. Có đôi khi, một cuộc sống muôn màu với những mảnh ghép khác nhau mới làm nên thứ gọi là “trọn vẹn”. Cũng như việc một người có thể làm nhiều công việc, tất cả chúng cùng nhau hoà hợp mới tạo nên cá nhân đó.

Đam mê không phải là thứ gì đó ở yên một chỗ và đợi mình tới khám phá, mà là thứ tự mình dựng xây theo thời gian. Đam mê cũng không phải là thứ gì đó mình thích làm nhất, mà là thứ dù trải qua nhiều đớn đau và vấp ngã nhưng mình vẫn nguyện theo nó đến cùng.

Viết ra được những điều này thật nhẹ nhõm. Cứ như sau một hồi đau tay cũng vặn được chiếc nắp chai cứng đầu, gỡ được khúc mắc trong lòng.


Góc nhỏ của Annie là blog phi lợi nhuận, miễn phí cho tất cả bạn đọc và không chạy quảng cáo. Sự ủng hộ của bạn là điều không thể thiếu giúp blog tiếp tục tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Bạn có thể ủng hộ cho blog tại ĐÂY nhé! ^^

Bình luận