Posted in Tản mạn

Kiểu người như mình, kiểu tính cách như mình

Có một điều mà rất nhiều người bạn từng thú nhận với mình rằng, lúc mới quen, ai cũng nghĩ mình là kiểu lạnh lùng, chảnh choẹ và khó gần.

Thật ra mình không hề có chủ ý tạo cho bản thân vỏ bọc như vậy. Vốn là người khá chậm nhiệt, với những người không thân quen, mình chẳng biết phải nói chuyện gì với họ, bắt chuyện như thế nào và chuyện trò ra sao. Tự mình cũng thấy bản thân khá bị động trong vấn đề giao tiếp. Người ta hỏi gì thì mình đáp nấy, đối phương không hỏi mình cũng im luôn. Đơn giản vì mình không có nhu cầu săm soi hay đàm tiếu về kẻ nọ người kia, càng không sẵn lòng chia sẻ những sở thích và chuyện cá nhân cho nhũng người chỉ đơn thuần là tò mò về đời tư của mình.

Sau tất cả, họ là ai để mình phải “thể hiện” bản thân? Tại sao mình phải mở lòng khi đã biết gu âm nhạc, phim ảnh, hiểu biết và cách nhìn nhận về thế giới quan của cả hai đều như ở hai bờ thế giới? Quan trọng nhất, họ là ai để mình tin tưởng mà chia sẻ mọi thứ và đảm bảo câu chuyện của mình sẽ không bị bóp méo, điều riêng tư sẽ không miệng qua miệng bay xa vạn dặm?

Ngày còn nhỏ, mình từng là một đứa trẻ nói liên mồm. So với thế giới bên ngoài thấy được và nghe được, những gì mình cảm nhận từ bên trong còn phong phú và đầy sắc màu hơn rất nhiều. Lúc đó, mình chỉ hận không thể đem tất cả những hào hứng, những điều hay ho mà bản thân học được, lượm lặt được từ sách báo, phim ảnh và cả ngoài đời thực đem sẻ chia cùng mọi người. Nhưng mà, con người thường chỉ mong được nói, chứ chẳng thiết được nghe. Người đời có thể tọc mạch mua vui trên chuyện của chúng ta, nhưng lại chẳng bao giờ sẵn sàng dành thì giờ để lắng nghe và thấu cảm. Và rồi không biết từ khi nào, mình chẳng còn muốn chia sẻ những chiêm nghiệm, những bài học của bản thân với những người xung quanh nữa. So với nói, mình chỉ nghe, mỉm cười hoặc hững hờ cho qua.

Vì có một người chị gái quá xuất sắc, từ khi bắt đầu đi học, mình luôn bị so sánh. Làm không tốt thì phải noi gương chị làm cho tốt, làm tốt rồi cũng không được kiêu ngạo vì chị mình làm còn tốt hơn. Thời niên thiếu của mình dường như chỉ xoay quanh việc hôm nay thi được mấy điểm, làm thế nào để đậu đội tuyển, thi thành phố phải được giải Nhất như chị mình, phải đậu được trường chuyên lớp chọn, phải chứng minh cho ba mẹ thấy mình cũng có năng lực. Ngày đó, mình chọn học chuyên Hoá chỉ bởi chị mình từng là học chuyên Hoá. Mình chọn học thêm Văn và Toán ở nơi chị mình từng học để chứng minh với những thầy cô đó rằng mình cũng không thua kém gì chị mình.

Mình nhớ có một lần thi loại đội tuyển được đứng nhất, vì quá vui nên mình nhỡ lời khoe với mẹ. Sau đó ba mình nghe chuyện nhưng lại bảo: “Đừng nghĩ rằng đứng nhất là giỏi. Mày chưa là gì cả”. Lúc đó mình đã nghĩ, mình thức khuya giải đề, toát mồ hôi sợ hãi bấy lâu nay, thở phào nhẹ nhõm khi vượt qua cửa ải này, hoá ra đều thành công cốc. Mình thất vọng vô cùng. Chưa kể những người giáo viên trước đây từng dạy chị mình cũng luôn nói với mình: “Ngày xưa chị mình giỏi thế kia, nhưng bây giờ mình chỉ thế này.” “Ngày xưa chị mình khổ như vậy, bây giờ mình sung sướng ra sao.”

Năm 15 tuổi, không đêm nào trước khi đi ngủ mà mình không khóc.

Vì không chọn đúng thứ mình thích và có sở trường, nên dù cố thế nào đi chăng nữa, mình luôn thua. Mình thi được giải Nhì cấp Thành phố môn Hoá, nhưng lại thiếu mất 0.2 để được giải Nhất. Mình đậu lớp chuyên Hoá trường hạng nhì nhưng lại rớt mất trường chuyên. Ngoại trừ Hoá, mình vật vã với Lý và Toán. Mình bị stress trước mỗi lần kiểm tra 1 tiết. Mình sợ cảm giác đứng trước cả lớp, tay cầm phấn nhưng không thể nào giải được bài toán đơn giản, hoặc giải sai bài toán mà mình vốn có thể giải ngon ơ nếu ngồi ở dưới. Mình sợ không được học sinh giỏi, sợ lại bị 5 điểm kiểm tra 15 phút môn Lý vì không hiểu mấy thứ như mạch điện, dòng điện, nối mạch, đổi chiều. Mình sợ Toán tổng kết không đủ trên 8,0 để được học sinh giỏi, nhưng Văn và tiếng Anh không học thì vẫn được điểm cao.

Có lúc mình đã tính nói với mẹ, hay là con không học chuyên Hoá nữa, con đổi sang học khối D được không mẹ. Nhưng mình không dám, mình sợ bạn bè đàm tiếu và thầy cô đánh giá. Mình sợ ánh mắt thất vọng của ba mẹ. Mình đã trải qua 3 năm cấp 3 trong hàng loạt những nỗi sợ. Ngoài học tập, mình chỉ biết vùi đầu vào đọc sách và xem phim để quên đi tất thảy. Nhưng rồi qua hôm sau, mình vẫn phải kiểm tra 1 tiết môn Vật Lý và Hình học!!!

Có lẽ vì trải qua thời cấp 3 như vậy, từ một người hoạt ngôn hướng ngoại, mình dần khép mình lại. Như trong bài Những lựa chọn tuổi 20, mình có kể về việc chọn ngành để thi đại học khi còn đang mơ mơ hồ hồ. Tuy vậy, qua 4 năm đại học, có một điều mà mình đã làm được, đó là triệt để thay đổi cái tư tưởng: “Mình phải làm gì đó để chứng minh cho người khác thấy là mình giỏi”.

Mình không nhớ đã từng đọc cuốn sách nào, hay đã nghe ai nói, hay vì từng được các anh chị và bạn bè trong AIESEC truyền cảm hứng, năm 19 tuổi, mình cho rằng 3 năm cấp 3 đã là quá khứ, đại học là một khởi đầu mới. Mình luôn tin là bản thân mình không chỉ dừng lại ở đây mà còn có thể làm tốt hơn nữa, đi xa hơn nữa. Vì vậy, mình luôn cố gắng hết mình trong mọi việc. Mình không quan tâm đến người khác nghĩ gì về mình, mình có giỏi hay không, lúc đó mình chỉ muốn đi du học. Sau này nghe nhiều thầy cô và bạn bè cùng lứa khen mình thế này thế kia, mình nghe mà cảm thấy quá xa lạ. Xuất sắc chỉ là vỏ bọc bên ngoài, còn nỗ lực bao nhiêu, thức bao nhiêu đêm, chảy bao nhiêu giọt mồ hôi nước mắt, có lẽ, chỉ mình mới biết.

Mình may mắn khi được sinh ra trong một gia đình đầy đủ mẹ cha, dù nhà cũng không phải giàu sang phú quý nhưng từ nhỏ đến lớn, mình không phải lo lắng về cái ăn cái mặc hay trăn trở về việc ngày mai phải sống như thế nào. Dù được ba mẹ yêu thương, mình biết, trong lòng mình vẫn có những thương tổn nhất định khi luôn bị so sánh với chị gái. Đó là điều mà cho đến bây giờ, tuy mình tin tưởng vào năng lực của bản thân, mình không cách nào quên được những giọt nước mắt đầy ấm ức và bất lực khi xưa.

Giai đoạn mình thực tập, chị gái mình từng làm những việc mà mình không thể chấp nhận được. Những lời nói đó, những hành động đó đã giết chết đi tất cả niềm tự hào và sự kính trọng của mình với chị bấy lâu nay, dù cho mình luôn là kẻ bị đem ra so sánh. Chút tự tôn cuối cùng của mình bị đập nát, và mình gần như bị trầm cảm. Vì chị mình không còn nơi nào để đi, nên mình đi. Mình rời Đà Nẵng, phần vì muốn tự lập, phần vì phải chạy trốn. Gia đình là một lỗ hổng không cách nào khoả lấp. Mọi chuyện không thể cứu vãn được nữa bởi vé máy bay đã đặt, ngày bay đã định.

Mình đã quá mệt vì cứ hy vọng để rồi thất vọng.

Hằng năm, mình vẫn hay làm lại bài trắc nghiệm tính cách MBTI hay 16 Personalities để kiểm tra xem có tính cách có thay đổi gì qua thời gian không. Dù những thành tố sau thay đổi liên tục, thì chữ cái đầu tiên vẫn luôn là I – Introvert – Hướng nội. Gần đây mình có làm lại một lần nữa, kết quả là INFJ, vẫn là I, không bất ngờ. Nhưng, đây là loại tính cách hiếm nhất trong dân số thế giới, thế nên chẳng bất ngờ khi mình vừa hướng nội vừa khác người đến như vậy.

Thực ra từ năm 2 đại học mình đã biết bản thân là người hướng nội. Mình có thể dành thời gian ở bên ngoài để giao lưu, hội họp và gặp gỡ nhiều người, nhưng sau cùng, mình nhất định phải ở một mình để sạc lại năng lượng đã mất. Nếu không, mình sẽ kiệt quệ và dần mất kiểm soát. Một cô gái trẻ như mình, lẽ ra cuối tuần phải đi cà phê đàn đúm với bạn bè, lại chọn đi tập võ, đi siêu thị về nấu ăn, dọn dẹp phòng ốc, rồi đọc sách, nghe nhạc, xem phim hay viết lách. Tuy phần lớn thời gian là dành cho bản thân, nhưng mình không thấy nhàm chán hay cô đơn, mà ngược lại, vô cùng tự do và thoải mái.

Có lần mình ngồi trò chuyện với một chị bé cùng cấp đai trên sàn võ, chị ấy đã nói, mặc dù đang nói chuyện với mình nhưng chị luôn cảm giác mình vẫn có một cái gì đó rất lớn bên trong, như thể là mình có một thế giới riêng, còn chị chỉ là người ngoài. Nên chị nghĩ là mình chắc là hợp làm những ngành nghề thiên về phân tích, lập kế hoạch hay viết lách gì đấy, chứ không phải kiểu chạy đôn chạy đáo và xô bồ. Chị ấy còn bảo kiểu tính cách em rất là Đà Nẵng, sao em lại chạy vào Sài Gòn chi vậy. Mình chỉ nghe rồi cười trừ.

Mình nhớ ngày trước ba từng nói rằng, ưu điểm và khuyết điểm lớn nhất của mình là quá chân thành và thẳng thắn. Yêu hay ghét, thích hay không thích, hài lòng hay không hài lòng, dù không nói ra nhưng đều thể hiện rõ ra mặt. Mình những tưởng có thể đem mọi cảm xúc giấu đi, không cần phải nói ra, nhưng chẳng ngờ, dù không nói thì mình cũng biểu lộ rõ quan điểm hay ý kiến của bản thân. Ngày trước mình còn bán tin bán nghi, nhưng rất nhiều người bạn của mình đều nói như vậy, thì có lẽ đây vốn là cá tính riêng của mình rồi. Tốt hay xấu không còn là vấn đề nữa.

Mình là kiểu người như vậy, có kiểu tính cách như vậy đấy, ừ thì sao? Người ta có thể nói mình kỳ cục vì không hiểu vì sao mình lại biến thành dáng vẻ như hiện tại. Nhưng mình chẳng có gì phải xấu hổ hay tự ti cả, bởi vì mình hiểu rõ bản thân đã trải qua những gì, và điều gì đã khiến mình trở thành như vậy.

Mình cho rằng mỗi người sẽ đều có một hoàn cảnh riêng, có câu chuyện riêng, và vì vậy sẽ có một cá tính riêng. Trong cái xã hội hướng ngoại này, người hướng nội đôi lúc vẫn thấy lạc quẻ và đơn độc, nhưng đó không phải là lý do để mình chối bỏ những giá trị cá nhân và thoả hiệp vì ánh nhìn của người đời.

Sau tất cả, cuộc đời này là của mình. Và nó chỉ có một. Sống thế nào mà mình không thấy hổ thẹn và hối hận là được rồi.


Góc nhỏ của Annie là blog phi lợi nhuận, miễn phí cho tất cả bạn đọc và không chạy quảng cáo. Sự ủng hộ của bạn là điều không thể thiếu giúp blog tiếp tục tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Bạn có thể ủng hộ cho blog tại ĐÂY nhé! ^^

6 thoughts on “Kiểu người như mình, kiểu tính cách như mình

  1. Cố gắng để giành 1 khoản riêng đầu tư những cái khác để sau có thể tự do sáng tác, thoải mái sống chứ đừng sống mãi theo nghề đó,vui vẻ lên, chỉ một kiếp người thôi =))

Bình luận