Mình ít khi đọc sách về đề tài chiến tranh, bởi chúng quá tàn khốc và gai góc. Còn nhớ thời lớp 9 đọc Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, cả đêm cứ nhớ tới những quả lựu đạn và bom thịt bom người, nghĩ lại bất giác vẫn lạnh người. Bởi vậy, có lẽ mình sẽ không bao giờ biết và dám đọc quyển này nếu không được một người bạn trên Goodreads giới thiệu.
Nguyên cớ nào khiến mình đọc quyển này?
Thời còn trao đổi ở Đức, còn nhớ trong tuần định hướng, khi ngồi trên xe buýt đi một vòng rìa thành phố Gelsenkirchen, mình được thầy giới thiệu là đây là một trong những khu công nghiệp lớn nhất nước Đức thời Thế chiến I & II. Mà Ánh sáng vô hình, nơi nhân vật Werner Pfennig sinh ra và lớn lên thuộc khu Zollverein ở Essen, một thành phố nổi tiếng với ngành công nghiệp than đá, siêu gần Gelsenkirchen nơi mình ở, chỉ cách 10 phút đi tàu. Mỗi lúc đi sang những thành phố khác chơi, mình và tụi bạn đã dừng chân tại đây không biết bao lần. Phần vì tò mò, phần vì chưa từng đọc sách về Thế chiến II bao giờ, thấy bìa đẹp quá nên mình đánh liều mua sách giấy rồi dành nguyên 1 tuần để đọc ngấu nghiến. Và mình chưa bao giờ hối hận về quyết định này.
Những nhân vật đáng nhớ
Ánh sáng vô hình của Anthony Doerr chẳng phải áng sử ca về những vị anh hùng oai phong lẫm liệt trên chiến trường mà chỉ là câu chuyện của người dân thường ở hậu phương, không quá máu me hay vĩ mô, chúng dung dị nhưng vẫn đủ ám ảnh. Lấy bối cảnh Thế chiến II, với 2 nhân vật chính là cô gái mù người Pháp – Marie Laure và cậu bé mồ côi người Đức – Werner Pfennig, câu chuyện được kể xuyên suốt khi cả hai còn là những đứa trẻ, trước và sau thời chiến. Đó là quá trình chúng trưởng thành, hành trình đi tìm bản ngã và chứng kiến sự lãnh khốc của bom đạn chiến tranh.
Điều gì còn sót lại trong lòng mỗi người dân về cuộc chiến năm ấy?
Đó là những đứa trẻ bất hạnh như Marie-Laure, cô bé mù vốn đang an yên sống cùng cha tại Paris phải tẩu tán đến Saint Malo. Cha bị bắt vì nghi ngờ là gián điệp, suốt nhiều tháng chỉ nhận những lá thư an ủi dối lừa từ ông; nhiều năm sau, vẫn còn ám ảnh vì những danh sách dài dằng dặc với nỗi chờ mong trong vô vọng, đến cuối cùng, âm dương cách biệt, chết không thấy xác.
Đó là những tài năng chớm nở như Werner Pfennig, khi tâm can phải giằng xé, buộc phải chọn giữa việc thoát khỏi Trại trẻ mồ côi nghèo xơ xác và trung thành với chế độ phát xít man rợ, với việc nghe theo trái tim hướng thiện và phẩm giá đạo đức của một con người, để rồi phải chết trong tội lỗi và ải đày trong địa ngục mang tên Đoàn thanh niên Hitler.
Đó là người bạn thân của Werner – Frederick, cậu bé với tâm hồn mơ mộng, yêu thích những loài chim và giàu lòng trắc ẩn. Chỉ vì chọn đứng về phía kẻ mà Đệ tam Đế chế của Hitler xem như kẻ thù, chọn nghe theo chân lý và lẽ phải, cậu bị lũ bạn ở học viện bắt nạt và đánh đập đến mức không còn nhận thức. Giờ đây, cậu chỉ còn là một cái xác không hồn, không cảm xúc, trên cổ là chiếc yếm để lau mớ thức ăn rệu rã mà mẹ đút cho mỗi ngày.
Đó là cô bé con ở Viena, đứa trẻ vô tội chết một cách bi thảm với viên đạn găm vào giữa trán, được bắn từ khẩu súng của Berner – người lính Đức đồng hành cùng Werner, chỉ vì cô trốn trong tủ quần áo và khiến anh ta bất ngờ.
Đó là Volkheimer, người lính trạc tuổi Werner, gã khổng lồ với tấm thân cao lêu khêu, một tay sai, một công cụ giết người của Đức Quốc Xã thời bấy giờ. Sau chiến tranh, ở cái tuổi 51, hắn sống quãng đời còn lại trong nỗi ám ảnh và tiếc nuối khôn nguôi về người đồng chí trên chiếc Opel. Volkheimer là kẻ xấu? Mình không rõ. Chút lòng thương người còn lại của Volkheimer có lẽ vẫn còn nơi Werner. Rõ ràng có thể vạch trần Werner và Marie-Laure về chuyện chiếc điện đài của ở ngôi nhà số 4 Vauborel, nhưng Volkheimer chọn im lặng.
Hỡi ôi, chiến tranh!
Chiến tranh, những gia đình bị ly tán, cha mẹ lạc con, con mất cha mẹ. Cô bé mù Marie-Laure phải sống trong thời chiến mà không có cha cạnh bên, chiều tà bước đi trên bãi biển, chạm vào những vỏ ốc, trong tim mang nỗi nớ giày vò khôn nguôi bởi lời hứa sẽ quay lại của cha. Tất cả những gì cô có là bà giúp việc Manec, người thân thiết và gần gũi với cô bé nhất, nhưng rồi bà cũng qua đời trên chiếc giường trong phòng; và ông chú Etienne bị ám ảnh với Thế chiến I, mang trong lòng những vết thương chẳng thể hàn gắn mỗi khi nghĩ về gia đình, đành tự giam mình trong căn nhà số 4 đường Vauborel.
Trong cuộc vây hãm cuối cùng ở Saint Malo, khi quân Đức thất thủ và ngày kết thúc chiến tranh đến gần, Marie-Laure khi ấy mới 16 tuổi đã một mình chống chọi với tình trạng thiếu thức ăn và nước uống, cố thủ trong căn nhà Vauborel của ông chú, nơi mà tên thiếu tá người Đức Reinhold von Rumpel cuối cùng cũng mò tới vì viên đá Lửa biển. Còn Werner thì phải tận mắt chứng kiến đồng đội trút hơi thở cuối cùng tại tầng hầm khách sạn nơi quân cậu trú, cái khách sạn vốn đã bị sập vì bom rơi. Suốt 5 ngày trời, cậu cùng Vollkheimer phải chịu cảnh thiếu oxy, lương thực và nước uống.
Ai nói chiến tranh chỉ tác động đến những phe thiện, những nạn nhân trực tiếp của cuộc chiến vô nghĩa?
Không có một cán cân công lý nào ở đây, chẳng có người thắng kẻ thua trong cuộc chiến này. Điều còn lại chỉ là những nỗi đau khôn xiết, những nỗi ám ảnh của một thời mưa bom bão đạn.
Bom màu xám là đá, màu nâu là đất, màu đỏ là máu thịt.
Tình người ấm áp trong thời chiến
Tuy tàn khốc, Ánh sáng vô hình vẫn có những câu chuyện đậm tình người khiến mình vô cùng xúc động. Đó là sự săn sóc và yêu thương của ông Daniel LeBlanc dành cho Marie-Laure, khi tận tay làm mô hình thu nhỏ của cả thành phố rồi hướng dẫn con tự tìm đường, hay những món quà sinh nhật ông tặng con, những câu dỗ dành đầy dịu dàng mà ông dành cho con. Và cả tình anh em khăng khít của ông chú Etinenne và ông nội cô, thông qua những mẫu chuyện truyền thống gia đình mà ông kể lại với Marie-Laure.
Đó là tình yêu thương mà cô Elena – một người Pháp đã trông nom và chăm sóc những đứa trẻ mồ côi người Đức ở trại trẻ Zollverein. Là sự tận tâm mà ông chú Etienne, vượt qua sự sợ hãi của bản thân, đã dành cho cô cháu gái và cũng là người thân duy nhất của ông còn sống sau 2 cuộc chiến, Marie-Laure.
Có lẽ, điều khiến mình tiếc nuối nhất là tình yêu vừa chớm nở của Werner dành cho Marie-Laure. Mình sẽ mãi không bao giờ quên khoảnh khắc Werner gặp Marie-Laure vào lần đầu tiên. Người con gái với dáng vẻ thoát tục, như sương mờ buổi tinh mơ, mặc chiếc váy xám đã cũ mèm, lấm tấm chỗ dơ với cây ba toong dò dẫm tìm đường, tự tin bước đi trên đường phố Saint Malo. Khi biết cô là cháu gái của người đàn ông mà cậu và em Jutta ngày bé vẫn luôn nghe qua chiếc điện đài, cậu ra một quyết định điên rồ. Cậu chọn nghe theo lẽ phải nơi trái tim, cũng có nghĩa, là phản bội lại chính đồng đội cùng lãnh tụ của mình, nả súng vào viên thiếu tá người Đức để cứu lấy Marie-Laure, bấy giờ đang chết dần vì đói và khát trên tầng áp mái.
Với một tia hy vọng le lói, mình đã mong chàng thanh niên người Đức với mái tóc bạch kim đó sẽ nắm tay cô gái mù người Pháp Marie-Laure, cùng nhau bước qua cuộc chiến đầy đau thương để tiến về một tương lai hạnh phúc. Thế nhưng, chiến tranh tàn bạo biết bao. Những tưởng hạnh phúc đã trong tầm tay, cuối cùng chỉ là ảo vọng xa xỉ. Họ chia tay nơi ngã tư đường. Chia xa, mãi biệt ly. Cái chết của Werner Pfennig cứ như tảng đá đè nặng lên trái tim của hàng triệu độc giả Ánh sáng vô hình.
Đúng-sai, phải-trái, đường ray sinh tử, hóa ra lại mỏng manh đến vậy.
“Ánh sáng vô hình”
Cá nhân mình thấy, tên sách được dịch rất hay. All The Light We Cannot See. Ánh sáng vô hình. Đó có lẽ là ẩn dụ của tác giả khi nói về những niềm tin lung lạc trong thời chiến, với hình ảnh nổi bật là những chiếc điện đài. Cũng có thể, là sự soi đường của lịch sử, những bí mật đang điểu khiển cuộc đời, sự vô minh và tìm lại tự do của nhân loại.
Bằng cách nào mà bộ não chẳng hề biết chút ánh sáng nào, lại dựng nên cho chúng ta một thế giới ngập tràn ánh sáng.
Lối viết lạ
Anthony chọn viết Ánh sáng vô hình theo kiểu hơi “lạ”. Ông chia trục thời gian thành hai tuyến, 1 nhanh, 1 chậm; 1 ngắn, 1 dài; cùng chạy đuổi đến một điểm, rồi cắt tại đỉnh điểm của truyện. Lúc bấy giờ, 2 nhân vật chính mới gặp nhau, cuộc hội ngộ chóng vánh và đầy xót xa.
Xuyên suốt cuốn sách, câu chuyện của họ được kể song song, Werner-Marie Laure, Marie Laure-Werner, đan xen giữa hiện tại và quá khứ. Đọc quyển này, mình cứ ngỡ như đang coi một bộ phim chiếu rạp. Cao trào, cắt, chuyển cảnh. Chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra với nhân vật A thì đã bị đẩy sang bối cảnh của nhân vật B. Nhiều lúc đọc nhập tâm, cảm xúc cứ chơi vơi. Nhìn vào các mốc thời gian trong mục lục sẽ thấy có một sự hoang mang không hề nhẹ, nhưng sau khi đọc xong, gấp sách lại thì bức tranh vừa vặn thành hình, vẹn toàn. Một trải nghiệm cực kỳ thú vị!
Điểm trừ duy nhất là đoạn đầu hơi bị lê thê lết thết, không có nhiều cao trào. Nếu bạn nào không đủ kiên nhẫn sẽ dễ bỏ cuộc từ sớm. Bởi lẽ, phải đến ¼ cuối sách, khi Werner và Marie-Laure gặp nhau thì mới bắt đầu hay.
Cơ mà, nếu bạn đủ kiên nhẫn, và cực thích những bộ phim mà các mốc thời gian bị xáo tứ tung, như Memento, (500) days of summer, hay Someday or One day thì đừng bỏ qua tác phẩm này. Anthony Doerr mất đến 10 năm để hoàn thiện quyển sách này, để rồi đoạt giải Putlizer danh giá. Mình thì chỉ mất có 10 ngày để đọc, nhưng những dư âm nó để lại có lẽ nhiều năm sau cũng không cách nào quên được.
Đánh giá: 8/10.
Góc nhỏ của Annie là blog phi lợi nhuận, miễn phí cho tất cả bạn đọc và không chạy quảng cáo. Sự ủng hộ của bạn là điều không thể thiếu giúp blog tiếp tục tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Bạn có thể ủng hộ cho blog tại ĐÂY nhé! ^^
Bạn review hay quá!