Posted in Kinh nghiệm, Tản mạn

Vì sao mình cầu toàn?

Dạo gần đây cứ thấy bản thân mông lung thế nào, nhìn không rõ mà cũng chẳng biết liệu những người xung quanh nhìn nhận về mình thế nào. Những chuyện lùm xùm và bất hoà trong gia đình trong giai đoạn thực tập quả thực có ảnh hưởng không nhỏ đến mình. Khi ngồi lại nghe người nhà nói về mình, những điều họ nghĩ về mình, mình nhận ra, họ chả hiểu quái gì về mình, dù rằng mình luôn cố gắng lắng nghe và thấu hiểu họ.

Mình có buồn không? Sao có thể không buồn được. Có lẽ tại trước giờ, mình hiếm khi nói ra những cảm xúc của bản thân, hoặc không biết nói thành lời như thế nào, những khúc mắc trong lòng cứ vậy mà để im, chín bỏ làm mười. Nên đến một lúc, cơn giận và nỗi đau như một ngọn lửa, liếm trọn mọi thứ, phá tan mọi điều. Mà chung quy mọi người chỉ nhìn thấy kết quả, khó lòng thấy được quá trình, và mình cũng không thích than phiền hay mang những cảm xúc tiêu cực về nhà. Buồn cười là, hồi còn làm ở AIESEC, có lần đi chơi Team Day, mọi người từng nói với mình rằng: Trông mình kiểu kìm nén và áp lực dữ lắm. Mình muốn che, nhưng không che nổi.

Trong những ngày mới vào Sài Gòn, miệt mài lên mấy trang tuyển dụng kiếm việc làm, câu hỏi mà mình đặt ra cho bản thân là: Liệu chính mình có năng lực gì vượt trội, hay bản thân mình có giá trị cá nhân nào đặc biệt hay không? Mình không muốn kiếm một công việc chỉ để mưu sinh qua ngày, rồi khi về nhà, mọi năng lượng và nhiệt huyết đều cạn về mức âm. Mình nhận ra cái “công cụ đặc biệt” mà trước giờ giúp mình làm được hoặc đạt được mọi thứ có sự lặp đi lặp lại. Mỗi lần gặp vấn đề khó khăn mình đều lôi nó ra xài, nó ngấm vào người mình và trở thành giá trị bản thân. Đó là năng lực tự học, tự nghiên cứu, và hơn hết, đó là tính cầu toàn.

Thời học đại học, bạn cùng nhóm hay nhận xét là mình hay xét nét và quá cầu toàn, thành ra mỗi lần làm việc chung với mình, họ rất mệt, rất phiền. Thật ra thì, những gì mà mình yêu cầu ở bản thân thực sự còn cao hơn rất nhiều. Mình chỉ là không hiểu, rõ ràng đã làm ra phần nội dung không tệ, tại sao không cẩn thận và tỉ mỉ một chút nữa để nó hoàn thiện hơn? Chưa nói đến việc nộp cho giáo viên và được bao nhiêu điểm, riêng bản thân mình, đọc một bài luận mà văn phong viết như nói ngoài chợ, sai chính tả, format cẩu thả, mình thực sự rất bực. Hình thức có thể không quan trọng, nhưng nó cũng gián tiếp thể hiện mình bỏ bao nhiêu tâm sức cho sản phẩm này. Làm qua loa rồi vứt cho mình một bãi chiến trường, tỉ mẫn chùi cày rồi sắp xếp chúng lại, ai mà không tức giận cơ chứ? Giờ nghĩ lại mới thấy, những bài luận, bài thuyết trình giữa hay cuối khoá, mình cẩn thận tỉ mỉ làm, không thả thí, điểm số đều không tệ.

Thời đại học, giáo viên chấm điểm bài luận của bạn cao vì bạn giỏi, chỉ vậy thôi?

Không. Hoàn toàn không phải vậy. Nội dung 70%. Hình thức 20%. May mắn 10%.

Hình thức cũng nói lên mình đã bỏ ra bao nhiêu thời gian và công sức cho sản phẩm này. May mắn, nhiều khi là đúng hoặc không đúng ý thầy cô. Có lúc thầy cô biết mình làm sai hướng hoặc chưa chuẩn nhưng họ vẫn nương tay, nhắm mắt cho qua. Vì họ biết, mình kỳ thực đã làm hết sức rồi. Đây là điều mà sau này khi nói chuyện và tâm sự với thầy cô mình mới biết.

Tính cầu toàn hành mình khổ vô cùng, nhưng cũng cứu mình không biết bao lần. Nên dù biết nó vẫn có mặt tối, mình tự hào vì nó. Đơn giản vì bản thân mình là vậy.

_Trích Nhật ký ngày 22.11.2019


Góc nhỏ của Annie là blog phi lợi nhuận, miễn phí cho tất cả bạn đọc và không chạy quảng cáo. Sự ủng hộ của bạn là điều không thể thiếu giúp blog tiếp tục tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Bạn có thể ủng hộ cho blog tại ĐÂY nhé! ^^

Bình luận