Hôm vừa rồi mình đọc Cuộc hẹn bình minh của tác giả Yasushi Kitagawa, tuy là tiểu thuyết nhưng sách viết khá giống self-help. Nếu để đánh giá chung dưới góc độ một quyển tiểu thuyết, thì với mình nó chưa xứng để coi là một cuốn sách hay. Nhưng nếu nhìn ở góc độ thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm, mình nghĩ Cuộc hẹn bình minh đã làm tốt vai trò của nó.
Vì là light novel, độ dày chẳng bao nhiêu cả, cấu trúc và tâm lý các nhân vật không quá sâu và khó hiểu, nên mình sẽ không spoil sách nói về nội dung gì. Ở đây, mình chỉ trích và bình một chút về những đoạn có liên quan đến “ước mơ” mà khi đọc mình thấy khá chấn động.
Thiết nghĩ, những bạn/em đang phân vân chưa nhìn ra được hướng đi trong tương lai của bản thân, nên tìm đọc và ngẫm nghĩ về quyển này.
1.
“Hồi tiểu học, trong bài văn tốt nghiệp, mọi người đều viết về “Ước mơ trong tương lai” một cách ngây thơ. Có những đứa viết là muốn trở thành cầu thủ bóng chày, cầu thủ bóng đá, cả phi hành gia vũ trụ nữa. Lên trung học, mọi người quên luôn rằng, mình đã viết ra những ước mơ như thế, và rồi họ không còn nói ra ước mơ của mình trước mặt người khác nữa.
Đỉnh điểm là thời phổ thông. Cái thứ “tương lai” mà họ vẫn nghĩ là còn ở xa tít bỗng sắp đuổi đến nơi, và số lượng những kẻ uể oải chẳng còn biết “ước mơ” là gì nữa lại tăng lên.
Khi mọi sự thành ra như thế, các thầy cô lại nói:
“Các cô các cậu không có ước mơ à? Không mơ nên mới không muốn làm gì đấy?”
Và cái thứ có thể ngay lập tức đẩy cái “tương lai” đã sát nút kia ra xa thêm bốn năm nữa là một nơi được lại là “trường đại học”. Hẳn là vì không còn cách nào khác nên rất nhiều người trẻ từng đánh mất ước mơ đã vào trường đại học để kiếm “ước mơ”.
—
Nếu đã đọc bài Những lựa chọn tuổi 20 của mình, hẳn là bạn cũng thấy quen quen đúng không. Mình thời mười tám đôi mươi cũng không hề biết “ước mơ” là gì. Hoặc có chăng, mình đã không dám mơ. Mình sợ thi rớt, bị bạn bè bỏ xa và làm mất mặt mẹ cha. Mình thậm chí còn thỏa hiệp cho một lựa chọn an toàn hơn, đó là học đại học ở Đà Nẵng, thay vì Sài Gòn như dự tính ban đầu.
Ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, mình luôn nghĩ rằng, đại học là một thứ gì đó cao xa, là đích đến của hàng triệu cô cậu tuổi 18 như mình, là cánh cửa mà mình nhất định phải bước qua, bởi chỉ cần bước qua nó, mình sẽ tìm được “ước mơ” của bản thân.
Bốn năm đại học thấm thoắt trôi qua. Và rồi, ngay cả khi tốt nghiệp thủ khoa cái ngành đã chọn, mình biết, mình đã sai. Đại học chưa bao giờ là đáp án cho câu hỏi mang tên “ước mơ”.
2.
“Chỉ cần nghĩ sâu hơn một chút về “ước mơ”, chúng ta có thể lập tức nhận ra cái “ước mơ” mà chúng ta ôm ấp hồi nhỏ không phải ước mơ mà chỉ là “nghề nghiệp”. Thực ra hồi học lớp Năm, tôi cũng từng viết trong bài văn của mình rằng “ước mơ của tôi là trở thành cầu thủ bóng chày chuyên nghiệp”. Tuy nhiên, cầu thủ bóng chày chuyên nghiệp chẳng qua cũng chỉ là một nghề. Thật ra thì đó không phải là ước mơ. Bởi vì đó thật ra là mong muốn được hoạt động trong giới chuyên nghiệp, trông bảnh, và mong muốn được trở thành cầu thủ hàng đầu trong số ít các cầu thủ hàng đầu. Chẳng có gì hay ho khi biết có rất nhiều cầu thủ vô danh đang vật vã chất chồng những nỗ lực của mình ở hạng dưới, và họ sẽ luôn phải bất an vì không biết mai này sẽ ra sao.
Không chỉ cầu thủ bóng chày, cả bác sĩ, luật sư, cả giáo viên nữa, việc làm những công việc đó không phải là “ước mơ”. Sau khi làm tất cả những công việc đó, nhờ chúng ta đã làm mà có “thứ gì đó” được hiện thực hóa. Chính cái “thứ gì đó” ấy mới là “ước mơ”. Còn nghề nghiệp chỉ là một “công cụ” để chúng ta biến ước mơ đó thành sự thật.
Có người mất ba mẹ vì bệnh tật mong muốn cứu giúp được nhiều sinh mạng của những người bị bệnh tương tự và xoa dịu được nỗi đau của gia đình người bệnh. Khi họ quyết tâm nhất định sẽ sống để làm điều đó, thì quyết tâm đấy sẽ trở thành “ước mơ của cuộc đời”. Có một “nghề” gọi là “bác sĩ” tồn tại như một “cách” để biến ước mơ kia thành sự thật.
Hơn nữa, để hiện thực hóa ước mơ đó, không chỉ có duy nhất một cách. Việc phát triển thuốc chữa bệnh trong công ty dược cũng là một cách. Hay việc kinh doanh trang thiết bị chăm sóc bệnh nhân, việc thi lấy bằng chuyên gia dinh dưỡng để lập thực đơn ăn ngon dành cho người bệnh cần hạnh chế độ ăn hay trở thành nghệ nhân tấu hài mang lại tiếng cười tăng cười hệ miễn dịch cho cơ thể…Tất cả đều là những “cách làm”.
Hình như khi còn bé, chúng ta ai cũng luôn nghĩ rằng một “nghề nghiệp” nào đó = “ước mơ”. Nhưng nếu cứ giữ nguyên như thế, khi tìm ra lí do cho việc mình không làm được nghề ấy thì đứa trẻ sẽ từ bỏ.
Chúng ta không nhất thiết phải từ bỏ ước mơ của mình chỉ vì một “cách” không thực hiện được, nhưng người ta đã nhầm lẫn giữa việc từ bỏ một công việc trong tương lai với việc từ bỏ ước mơ của mình. Trong lúc chúng ta phải rất nhiều lần từ bỏ ý muốn làm nghề nào đó thì tự chúng ta để cho mình rơi vào chấn động tâm lí, rằng mình đang từ bỏ việc theo đuổi ước mơ. Thật ra điều đó không có nghĩa là từ bỏ ước mơ. Chính nhờ việc không từ bỏ ước mơ, nếu cách này không được thì chúng ta thử cách khác, và nếu tiếp tục thất bại thì sẽ lại tiếp tục tìm những phương pháp khác…chỉ để biến ước mơ của mình thành sự thật.
Tương tự có những người trẻ cảm thấy “mình đã rất nhiều lần từ bỏ ước mơ” và có những người trẻ khác cảm thấy “mình đã giữ mãi một ước mơ từ bé đến giờ. Mình sẽ luôn tiếp tục tìm cách ước mơ thành sự thật”. Nhóm đầu tiên đã lớn lên mà dũa mài suy nghĩ rằng “ước mơ = nghề nghiệp”, còn nhóm thứ hai là những người nhận ra rằng nghề nghiệp suy cho cùng chỉ là cách thực hiện ước mơ mà thôi.”
—
Đọc những dòng trên, mình chỉ biết thốt lên: Ôi, phải chi 5 năm về trước, mình nhận ra điều này, có lẽ mình đã có dũng khí để làm những điều mình muốn.
Trước nay, tụi mình luôn gắn “ước mơ” với “nghề nghiệp”, nhưng thật ra, nghề nghiệp chỉ là công cụ để hiện thực hóa ước mơ.
Và mình bất giác nhớ đến nhân vật do Jang Hae In thủ vai trong phim When You Were Sleeping, một anh cảnh sát bị mù màu, vì may mắn nên đã che giấu được điều này qua nhiều năm. Cuối cùng, tuy đã trở thành cảnh sát nhưng vì cứu giúp bạn bè nên anh bị phát hiện. Khi đó, anh chỉ mỉm cười nói: “Sẽ có cách khác mà”. Và rồi, chàng trai đó lại ôn thi vào ngành luật để có thể trở thành một luật sư – người có thể đứng về kẻ yếu, mưu cầu lẽ phải. Và mình tin, cho dù không thể trở thành luật sư, anh ấy vẫn tìm được cho mình con đường khác, chẳng hạn như: công tố viên, nhân viên thi hành luật, v.v.
3.
“Nếu ngày ấy tôi biết trước rằng “cầu thủ bóng chày chuyên nghiệp” chỉ là một cách để tôi đạt được ước mơ của mình và rằng nếu cách ấy không thành công, tôi cũng không cần thiết phải từ bỏ ước mơ, chắc tôi đã có thể nghĩ xem ước mơ thật sự của mình là gì rồi. Và rất có thể, nếu tôi đổi cách làm để đạt được điều đó, tôi đã không rơi vào tình trạng suy sụp tinh thần với ý nghĩ “mình là một thằng thất bại” như thế này. Đến tuổi này, cuối cùng tôi đã hiểu khi có ước mơ thì đương nhiên trước mặt sẽ có một “bức tường cần vượt qua”. Trong ước mơ cũng có cả công cuộc đổi “việc muốn làm” thành “việc bắt buộc phải làm”. Tôi đã quá thiếu sự chuẩn bị cho điều đó.
Chắc hẳn là không chỉ có tôi. Đã có nhiều người lớn lên và trải nghiệm cái cảm giác này: trước khi ước mơ, họ làm điều gì đó hàng ngày đơn thuần vì thích, nhưng khi vừa có một ước mơ, điều đó dần trở thành thứ buộc phải làm và họ nhanh chóng chán ghét.
Chính trong ước mơ của chúng ta có một sức mạnh biến tất cả những “điều muốn làm” thành “điều phải làm” nên trước khi có một ước mơ, chúng ta luôn cần phải là người có thể giữ “điều muốn làm” nguyên vẹn là “điều muốn làm”. Vậy thì sự khác biệt giữa người biến “điều muốn làm” thành “điều phải làm” và người giữ nguyên được những “điều muốn làm” là gì?
Đó là việc họ tiếp nhận những thứ xảy đến với mình như thế nào. Cũng có thể nói đó là sự khác nhau trong việc tiếp nhận vô điều kiện tất cả với tiếp nhận có chọn lọc tùy theo điều kiện của mình khi đó. Trong những thứ xảy đến với mình, nếu vì phiền phức mà chúng ta cố tránh né thì trong khi chúng ta không chú ý, những thứ đã từng thích làm cũng sẽ trốn chạy chúng ta.
—
Nếu bạn nào từng trải qua cảm giác ghét việc mình từng thích, hẳn sẽ hiểu thấu đáo điều này. Đơn giản là khi mới bắt đầu, niềm hứng khởi và sự mới mẻ đã cuốn hết mọi lo toan về những điều không may có thể xảy ra trong tương lai. Nói cách khác, tụi mình không có tâm thế chuẩn bị cho những rủi ro và khó khăn sẽ xảy đến, mà chỉ nghĩ đến những viễn cảnh màu hồng. Mà thực tế, trên đời này làm gì có công việc nào mà không có mặt tối?
Bạn nghĩ học Marketing sẽ thỏa thích sáng tạo? Ồ no, đó chỉ là vẻ hào nhoáng bề nổi thôi. Bạn vẫn phải làm những báo cáo dài dằng dặc, đọc những văn bản tiếng Anh tiếng Việt nửa nạc nửa mỡ, sửa đi sửa lại một câu văn hơn chục lần cho vừa lòng khách hàng, có khi vứt hết toàn bộ ý tưởng và concept để làm mới hoàn toàn cái proposal, và rồi vật lộn với những con số trong mấy báo giá version final thứ n để kịp gửi trước deadline.
Tất cả những thứ trên, cốt chỉ đổi lại sự sáng tạo. Đó là những lần bù đầu rối tóc, đứa nào rảnh vào phòng họp vặt lông ngồi brainstorm hết. Những lần tim đập-chân run nhưng miệng vẫn lưu loát đứng present trước khách hàng, rồi bất giác nhận được tin đã win cái pitching. Và hơn tất thảy, tự mình rút được những bài học để đời cho những lỗi sai dở khóc dở cười. Bản thân nhờ vậy cũng tích lũy được ít nhiều kinh nghiệm, góp nhặt thêm cách xử lý vấn đề khôn ngoan hơn.
Đó, mới là thực tế.
4.
Trẻ con trước khi vào tiểu học luôn nhiệt tình đón nhận tất cả những điều xảy đến trước mắt. Chúng không biết buông tay. Bạn tôi, những người đã đi thực tập giảng dạy kể:
Với học sinh tiểu học trong giờ học tiếng Nhật, khi yêu cầu các em phân chia vai để đọc tiểu thuyết, chúng sẽ hết mình cố gắng diễn như thể đang đóng kịch. Vậy mà khi đưa ra yêu cầu tương tự với học sinh trung học, trước khi làm chúng sẽ cố gắng nghĩ ra lí do để không làm, như kiểu:
“Làm thế có ý nghĩa gì chứ?” Có phải trẻ đâu mà…”, “Làm thế thì có được cộng điểm không ạ?…
Cũng có thể do chúng cảm thấy xấu hổ nên nói vậy, nhưng cũng vì mọi hành động của bọn trẻ đã trở nên có toan tính.
Vậy mà chúng ta không thể tìm được ước mơ của mình chỉ trong những thứ chúng ta thật lòng tiếp nhận. Chỉ những đứa trẻ mới có nhiều ước mơ bởi hằng ngày chúng sống và nhiệt tình đón nhận tất cả những gì xảy đến.
Tuy thế, khi những đứa trẻ ấy trở thành học sinh trung học, chúng tự mình quyết định cách học tập trong giờ học. Chúng dần lười biếng trong những môn mình không thích. Chúng sẽ không còn nghe những câu chuyện mình không có hứng. Chúng sẽ không còn như hồi tiểu học, không hết mình với những điều xảy ra trước mắt nữa.
Rồi khi bọn trẻ lên phổ thông, chúng còn tự phán đoán những môn không liên quan đến việc dự thi sau này của mình là “không cần thiết” và sẽ không đăng kí học những môn đó. Nhưng những phá đoán “cần thiết” và “không cần thiết” đó chỉ là dựa trên những điều kiện lúc đó, tức là chỉ vì lúc đó chúng thấy phiền hà nên đã dễ dàng vứt bỏ và nói rằng môn này “không cần thiết”.
Bằng cách đó, trước mắt những đứa trẻ chỉ còn sót lại những thứ cần thiết cho chúng, có nghĩa là chúng có thể làm mọi thứ chỉ với những thứ trên. Nhưng rồi, một lúc nào đó, tiêu chuẩn đánh giá sẽ không còn là cần thiết hay không nữa mà trở thành phiền phức hay không. Cuối cùng, chúng sẽ gắn lí do cho mọi thứ xảy đến với mình và rồi không thể thật lòng tiếp nhận những thứ đó nữa. Bởi vì chúng ta tự đẩy vạch “giới hạn không thể tha thứ” mà chính mình đã tự quy định từ trước ra xa lắm rồi.
—
Mình tin là ai khi đọc những dòng này cũng thấy thấp thoáng bóng dáng bản thân nhiều năm về trước, rằng những môn học “không cần thiết” kia sẽ chẳng dính dáng tới cuộc đời mình. Thế nhưng, một cựu học sinh chuyên Hóa như mình, lại đi học Marketing và làm trong ngành sáng tạo, rồi ngồi đây làm văn, lạch cạch ghi lại những suy nghĩ của bản thân. Đó là bởi, từ thời phổ thông, bên cạnh Hóa học, Ngữ văn và Ngoại ngữ là hai môn học ưa thích của mình, tổ hợp những thứ đó lại với nhau, tạo nên mình của ngày hôm nay.
Ai mà biết cuộc đời rồi sẽ dẫn lối đưa ta về đâu cơ chứ?
Vậy nên, việc gì phải giới hạn bản thân trong một lĩnh vực duy nhất? Nếu thấy hứng thú với bất cứ thứ gì thì cứ mạnh dạn theo đuổi. Chẳng có vấn đề gì nếu một bác sĩ biết lập trình, một kỹ sư thích văn học, một marketer thích viết lách và nghiên cứu về dinh dưỡng? Cái thời, “một nghề cho chín còn hơn chín nghề” đã qua rồi.
Ước mơ chỉ một, nhưng nghề nghiệp có mười vẫn được cơ mà.
5.
“Nếu thật lòng làm điều gì đó thì cái gì cũng thú vị. Và ước mơ chỉ trào dâng trong những việc làm thật lòng.
Ước mơ không phải là thứ sẽ rơi xuống đâu đó.
Có những người dùng từ “tìm kiếm ước mơ” nhưng dù có tìm kiếm cũng sẽ không bao giờ thấy.
Nếu có thấy thì nhiều nhất cũng chỉ là thấy được một công việc có vẻ dễ sinh lời, hoặc một công việc khiến họ có thể nghĩ rằng làm thì cũng không sao.
Bởi vì thứ gọi là ước mơ chỉ có bên trong chính con người chúng ta mà thôi.
Những người lớn hay ho tôi từng gặp, họ đều đang sống chân thành với những điều mình muốn làm. Họ không trốn chạy những điều ấy. Họ đều tươi cười trả lời “vâng” để đón nhận tất cả những khó khăn họ gặp trên con đường mình đã chọn. Họ cũng không nghĩ đến việc người xung quanh nói gì về điều mình đang làm, có ổn định không, kiếm được hay không kiếm được…
Họ hành động với cốt lõi là “lòng nhiệt huyết” chứ không phải “sự tính toán”. Đằng sau những hành động đầy nhiệt huyết ấy là “ước mơ” vững vàng của họ.
Những người thành công với những điều mình muốn làm có một vài điểm chung. Đó là trước khi làm gì, dù có tính toán thế nào họ cũng đều phải đối mặt với ý nghĩ “cái này không thể làm được”. Thêm vào đó, một cách kì diệu, họ đều gặp được những người cần họ để biến điều đó từ không thể thành có thể.
Với người sống có nhiệt huyết thì chắc chắn người giúp đỡ cổ vũ cho ước mơ ấy biến thành sự thật sẽ xuất hiện.
Những người lớn tài giỏi mà tôi gặp, tất cả mọi người đều như vậy. Mà không, không chỉ có thể đâu. Tất cả vĩ nhân trong các sách lịch sử mà tôi đọc cũng vậy. Con người không thể “tính toán được việc gặp gỡ.
Tất cả những con người ấy trong khi nói rằng mình đang suy nghĩ nghiêm túc về tương lai thì đã cố gắng “tính toán” tương lai, ngay từ đầu họ đã chẳng nghĩ gì đến cái gọi là “duyên gặp gỡ”. Nhưng người sống chân thành có nhiệt huyết tự họ sẽ biến thành nam châm hút “những cuộc gặp kì tích” tới. Điều đó tôi dám chắc.
Chỉ cần sống thật lòng với những điều trước mắt thì kì tích sẽ xuất hiện. Nhưng thật ra đó không phải kì tích mà là điều đương nhiên.
Tôi quyết định sẽ chọn cách sống như thế.
—
Cái “duyên gặp gỡ” mà tác giả nói, mình đã thực chứng với bản thân. Quả đúng là cuộc đời không đoán trước được điều gì, việc duy nhất tụi mình có thể làm là sống chân thành và tích cực. Cứ sống thật lòng tiếp nhận những gì xảy ra trước mắt, những cuộc gặp gỡ với người ủng hộ cho lí tưởng mình sớm muộn rồi cũng tự ghé thăm.
Lời kết
Ước mơ nghe có vẻ mông lung và to tát, nhưng thực chất gì là mong muốn từ tận đáy lòng. Nó là động cơ, cũng là nguyên nhân cho mọi lựa chọn của mình.
Không phải trở thành ai đó.
Không phải làm nghề gì.
Chỉ là ước mơ mà thôi.
Góc nhỏ của Annie là blog phi lợi nhuận, miễn phí cho tất cả bạn đọc và không chạy quảng cáo. Sự ủng hộ của bạn là điều không thể thiếu giúp blog tiếp tục tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Bạn có thể ủng hộ cho blog tại ĐÂY nhé! ^^
<3
Cảm ơn bạn vì luôn ở đây, đọc và like những bài viết của mình ?
Cảm ơn sự tình cờ mà mình đọc được bài viết này
Cảm ơn những lời bình của Annie về quyển sách này
Chợt cảm thấy “cơ hội có thể được sống” của mình le lói trong những ngày “chết ở tuổi 24 mông lung” khi nhận ra những sự thật về ước mơ bấy lâu mà mình tìm kiếm.
Cảm ơn Annie một lần nữa !
Ngày ấm lòng.
Cảm ơn chị ♥️