Trước khi viết bài review này, mình chỉ định trích mấy câu thoại mình tâm đắc trong Chemical Hearts cùng đôi dòng cảm nhận để chia sẻ cùng mọi người. Nhưng rồi, những nghĩ suy miên man cứ thôi thúc mình gõ lạch cạch trên bàn phím, và đến khi đọc lại, mình đã viết xong bài review từ lúc nào mà chẳng hay.
Chemical Hearts được chuyển thể từ quyển tiểu thuyết Our Chemical Hearts của Krystal Sutherland. Ừ, lại là một bộ phim dành cho lứa tuổi mới lớn. Dù biết bản thân đã qua cái giai đoạn ẩm ương đó, nhưng kỳ lạ là, mỗi khi ra phim và sách truyện viết về lứa tuổi này, mình không cách nào cưỡng lại sức hút của chúng. Đó là The Perks Of Being A Wallflowers, The Fault In Our Stars, Catcher Of The Rye, Normal People, Lady Bird, Boyhood, The Art Of Getting By, The Spectacular Now, Love Roisie, Five Feet Apart…và rất nhiều các tác phẩm văn học và phim chuyển thể khác mà mình đã coi và đọc qua. Hầu như vừa ra mắt, đọc review không quá xàm xí thì mình sẽ cày ngay. Có thể vì từng trải qua những buồn vui ở cái tuổi 18 đôi mươi, nên khi coi phim hay đọc những tác phẩm như vầy, mình luôn tìm thấy một phần của bản thân qua những nghĩ suy của các nhân vật. Họ đều là những đứa trẻ đang tự vật lộn để trở thành người lớn.
Bộ phim mở đầu với lời thoại của Henry.
“You are never more alive than when you’re a teenager”.
Henry là một nhân vật bình thường đến không thể bình thường hơn, một cậu học sinh năm cuối trung học, sống trong một gia đình nề nếp và đong đầy yêu thương. Ở trường là một học sinh ngoan, có hai người bạn thân chí cốt, ngày ngày cùng nhau chuyện trò và nhây nhây. Không drama, không có những cuộc tình chóng vánh, không có những trò thi thố hay ăn chơi đàn đúm, cuộc sống trung học của cậu cứ thế cứ êm đềm trôi qua. Nếu có gì đáng nói ở nhân vật này, thì có lẽ là cái sở thích kỳ quặc “kintsukuroi”, hiểu đại khái là “hàn gắn bằng vàng”, một loại hình nghệ thuật thủ công truyền thống của Nhật Bản dùng để phục chế đồ gốm sứ bị hỏng hoặc vỡ (bạn có thể tìm hiểu thêm ở ĐÂY).
Dù thích viết lách, Henry luôn cảm thấy bản thân chỉ là một cái vỏ rỗng không có chuyện gì để kể. Cuộc sống của cậu quá nhạt nhẽo và vô vị, và bản thân cậu thì chưa từng yêu ai.
Ấy là cho đến khi Grace đến và bước vào cuộc sống của cậu.
Cả hai tình cờ gặp gỡ khi được chọn để cùng biên tập cho tờ báo trường cuối khoá. Cô chống gậy đi, tóc búi cao, gương mặt nhợt nhạt và ngồi đó lặng lẽ đọc thơ của Pablo Neruda.
Henry lấy làm lạ mỗi lần đi nhờ xe của cô để về nhà, khi bản nhạc Take Care của Beach House vang lên, cô chỉ lặng thinh và ánh mắt mãi đăm đăm nhìn qua ô cửa sổ. Và rằng cô luôn đi bộ về nhà, ai đó sẽ đến lái xe của cô về.
Có lần, Grace đã đưa Henry đến nhà máy cũ, lội trong cái ao nước nhỏ để cho cá ăn. Khi ngắm nhìn những vì sao trên bầu trời đêm, Grace đã nói rằng:
“When I look at that, it reminds me that people are just the ashes of dead stars. We’re just a collection of atoms that come together for a brief period of time, and then we fall apart. When all of this is over and we are dispersed back into nothingness, we have a clean slate. It’s like having all of your sins wiped away.”
“Khi tớ nhìn những vì sao kia, nó khiến tớ nhận ra rằng loài người chỉ là cát bụi trên những vì sao chết. Chúng ta chỉ là tập hợp của những phân tử nhỏ bé, đến với nhau trong quãng thời gian ngắn ngủi, và rồi lìa xa nhau. Khi tất cả những chuyện này qua đi, chúng ta lại tan biến và hư vô và biến thành những tảng đá sạch sẽ (ngụ ý bia mộ). Cứ như thể tất cả mọi tội lỗi đều đã được rửa sạch.”
Ở phần sau của câu chuyện, khi tấm màn dần vén lên, Henry mới dần hiểu về quá khứ của Grace. Tai nạn năm xưa đã khiến bạn trai cô qua đời, còn cô thì trở thành người tàn tật. Cô sống chung nhà với cha mẹ của người bạn trai, họ coi cô như con ruột, và cô thậm chí vẫn ở trong căn phòng của anh ta ngay cả khi anh đã qua đời. Gia đình cô không nề nếp, mẹ nghiện rượu và lang chạ với nhiều người đàn ông khác. Cô cảm thấy mình nợ gia đình này, người chết nên là cô chứ không phải Dom – bạn trai cô.
Bởi vì câu chuyện được kể qua góc nhìn của Henry nên người coi dường như thấy Grace là một cô rất hấp dẫn và cá tính, suy nghĩ có phần gai góc nhưng cũng rất sâu sắc. Cách cư xử của Grace rất kỳ quặc, lúc nóng lúc lạnh. Hôm trước còn ngọt ngào đằm thắm với Henry, hôm sau đã bơ cậu, rồi sau đó quay về, rồi lại chia tay. Có thể vì chưa đọc tiểu thuyết gốc, và phim chỉ điểm qua những phân đoạn nổi bật, mình cảm thấy đoạn tình cảm này hơi chớp nhoáng và khá hời hợt. Cứ như thể tất cả chỉ là Henry tự mình đa tình, bắt chuyện với Grace, theo đuổi cô, cô không từ chối, nhưng cũng chưa bao giờ đồng ý. Chính cậu bắt đầu, và cũng chính cậu kết thúc tất cả. Nó khiến mình nhớ đến nhân vật Summer qua góc nhìn của Tom trong (500) Days of Summer. Với Henry, Grace là mối tình đầu, và cũng là mối tình duy nhất trong những tháng năm trung học. Nhưng Grace có lẽ chưa bao giờ yêu Henry, đây chỉ là chút an ủi thoáng qua trước những đớn đau của mối tình dang dở với bạn trai cũ đã qua đời.
Bỏ qua cốt truyện hơi bị đầu voi đuôi chuột chút xíu, thì diễn xuất, âm nhạc và lời thoại và những điểm cộng cực lớn của Chemical Hearts. Về diễn xuất, điểm sáng của phim hẳn là vai Grace của Lili Reinhart – cô nàng vốn đã quen mặt với vai Betty Cooper trong series Riverdale (khuyên chân thành chỉ nên coi phần 1). Ở bộ này, tuy Grace là một vai mình không quá khó nhưng cũng không hề dễ với một diễn viên trẻ, vậy mà Lili đã diễn ra một Grace thành hình và vô cùng chân thật. Đó là một cô gái lúc nào cũng tỏ ra khó chịu, không hề thân thiện, nội tâm giằng xé vì vết thương trong quá khứ, nhưng cũng rất mạnh mẽ và sâu sắc.
Mấy bản soundtrack của phim cũng khá hay. Nếu như theme song Take Care của Beach House khiến mình quay cuồng trong những cảm xúc của thời niên thiếu, thì bài tủ Where’s my love của SMYL mình nghe cách đây 2 năm lại khiến mình hình dụng được cảm giác da diết và giằng xé của Grace.
Phim cũng có những đoạn thoại khá đắt giá khi nói về những bất lực của người trẻ ở cái tuổi 17-18 ẩm ương, khi bản thân không còn là con nít, những cũng chẳng phải người lớn.
“Um…okay. Think about what it means to be a teenager, okay? Your parents pressure you to succeed. Your friends pressure you to do shit you don’t want to do. Social media pressures you to hate your body. It’s hard, even if you’re a well-adjusted kid from a good family.
So, now imagine you can’t be with the person that you love, like Romeo and Juliet, or Werther, or you lose the person that you love like Holden or Conrad. There’s a reason why, when every author from Shakespeare to Salinger writes about young people. They can’t avoid the truth that being young is so painful. It’s almost, like, too much to feel.
Look, I’m not gonna kill myself. But have I thought about what it would be like to just not to be here anymore? Yeah, and I don’t say that casually, but I do say it because hiding that shit and not saying it makes it worse. It should be talked about. All of our shit should be talked about.
The teenage years are…limbo.
You’re somewhere between being a kid and an adult, and the world tells you to be mature and express yourself. But the minute that you do, it tells you to shut up.
The thing is, adults are just scarred kids who were lucky enough to make it out of limbo alive.”
“Ừ thì. Hãy nghĩ về ý nghĩa của cái thời thiếu niên đi. Cha mẹ thì tạo áp lực buộc cậu phải thành công. Bè bạn thì cù rủ bảo cậu phải làm những điều mà cậu chả thích. Mạng xã hội thì khiến cậu chán ghét bản thân. Rất khó để đi qua cái giai đoạn này ngay cả khi cậu là một đứa trẻ lớn lên trong một gia đình nề nếp.
Giờ thì hãy tưởng tượng cái viễn cảnh cậu không thể ở bên người mình yêu, như Romeo và Juliet hay Werther, hoặc là cậu trót đánh mất người mà cậu yêu như Holden hay Conrad. Nhất định phải có lý do tại sao mà mọi nhà văn, từ Shakepeare đến Salinger đều viết về những người trẻ. Họ chẳng thể trốn tránh được cái sự thật là tuổi trẻ thì vô cùng đớn đau. Nỗi đau đó quá lớn để trải lòng đối diện và đón nhận.
Nghe này, tớ sẽ không tự tử đâu. Nhưng chắc hẳn tớ đã từng nghĩ đến việc không còn tồn tại trên cõi đời này nữa nhỉ? Ừ đúng vậy, mặc dù không thường xuyên, nhưng tớ vẫn nói ra điều đó, bởi vì trốn tránh chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Nó cần được nói ra. Tất cả những nỗi lòng đó cần được tỏ bày.
Tuổi thiếu niên…rất ẩm ương.
Cậu ở đâu đó giữa một đứa trẻ và một người lớn, thế giới thì cứ bảo cậu trưởng thành và tỏ bày đi. Nhưng cái khoảnh khắc cậu thể hiện bản thân đã trưởng thành, nó lại quay về bảo cậu dẹp ngay.
Chuyện là, người lớn thực ra chỉ là những đứa trẻ mang trong mình những vết sẹo, những kẻ đã may mắn vượt qua cái tuổi thiếu thiếu niên ẩm ương này mà thôi.”
Hay là đoạn thoại cuối phim của Henry viết trong tờ báo tường.
“When you’re a teenager, the chemicals in your brain drive you to make decisions that rip you away from the safety of your childhood and drag you into the wilderness of adulthood. A friend once told me that adults are just scarred kids who were lucky enough to make it out of teenage limbo alive.
I urge you to go outside and look at the world through that prism. Look at your parents, your older siblings. Look at strangers you pass on the street. Look at them and imagine that at one point in their lives, they too walked these halls. They too felt the unbearable loneliness, the absolute unbearable powerlessness and darkness of being young.
We tend to think of scars as ugly or imperfect, as things we want to hide or forget. But they never go away. As I write this, my last editorial, in my last issue, released on my last day of high school, I finally understand that scars are not reminders of what’s been broken, but rather of what’s been created.”
“Khi bạn ở độ tuổi thiếu niên, những chất hoá học trong não bộ sẽ khiến bạn đưa ra những quyết định đầy rủi ro, đẩy bạn từ vùng an toàn thời thơ ấu vào chốn hoang dã của tuổi trưởng thành. Từng có người bạn nói với tôi rằng, người lớn thực ra chỉ là những đứa trẻ mang trong mình những vết sẹo, những kẻ đã may mắn vượt qua cái tuổi thiếu thiếu niên ẩm ương này mà thôi.
Thế nên, hãy ra ngoài và nhìn ngắm thế giới qua lăng kính của người trưởng thành. Nhìn cha mẹ bạn, anh chị bạn. Nhìn những người lạ dạo bước trên đường. Hãy nhìn họ và tưởng tượng rằng, một thời khắc nào đó trong cuộc đời, họ cũng từng bước qua những hành lang này. Họ cũng từng cảm nhận cái nỗi cô đơn này, cái cảm giác bất lực không chịu đựng nổi, và cả những góc khuất của tuổi trẻ.
Chúng ta thường nghĩ rằng những vết sẹo khiến bản thân trở nên xấu xí hay không hoàn hảo, là thứ khiến ta muốn che giấu hay quên lãng. Nhưng chúng sẽ chẳng bao giờ biến mất. Khi viết những dòng này, trong bài báo cuối cùng, ở số báo cuối cùng, được phát hành vào ngày cuối cùng của những tháng ngày trung học, cuối cùng tôi cũng nhận ra rằng, những vết sẹo không phải lời nhắc nhở về những thương tổn đã trải qua, mà là để nhắc ta về chúng đã được tạo ra như thế nào.”
Dù phim cũng không tồi, nhưng có lẽ so với tượng đài The Perks Of Being A Wallflower trong lòng mình thì bộ này chưa đủ đô. Nếu coi với tâm thế không kỳ vọng về cái kết mà chỉ nghe thoại, suy ngẫm về cái tuổi teen đã qua và chìm đắm vào chút ngọt ngào thoáng qua của hai nhân vật Henry và Grace, mình nghĩ đây cũng là một bộ young-adult đáng xem.
Góc nhỏ của Annie là blog phi lợi nhuận, miễn phí cho tất cả bạn đọc và không chạy quảng cáo. Sự ủng hộ của bạn là điều không thể thiếu giúp blog tiếp tục tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Bạn có thể ủng hộ cho blog tại ĐÂY nhé! ^^