Mất một tuần để mình đọc xong Giữa hai chúng ta (Normal People) của Sally Rooney. Rồi một tháng ròng rã sau đó, đọc bất chợt một chương, hồi tưởng và khắc ghi câu chuyện của Marianne và Connell vào tâm trí, rồi cố thoát ra dư âm từ quyển tiểu thuyết. Đó, là cho đến khi mình coi TV Series chuyển thể vào hai hôm trước. Khi cảnh cuối bộ phim kết thúc, mình bật khóc, vì nhói lòng.
Khi viết bài này, mình chỉ định review mỗi phim thôi, nhưng thiết nghĩ, những bạn chỉ coi phim mà không đọc tác phẩm gốc nhất định sẽ thấy mông lung mơ hồ (và tiếc hùi hụi), nên mình quyết định viết luôn review sách. Sau khi viết xong mình phát hiện nó quá dài, thành ra phải chia thành hai kỳ. Trong bài viết này, mình sẽ tập trung review về tiểu thuyết trước.
Sally Rooney là nhà văn trẻ người Ireland đang nổi như cồn trong những năm gần đây với tiểu thuyết Conversation with Friends. Mình thì chưa đọc nhưng suốt ngày bị lũ nerds trên Goodreads cù rũ mua sách nguyên bản để cày. Và rồi mình bắt gặp vài phản hồi khá tích cực về một tác phẩm khác của cô – Giữa hai chúng ta (hay Normal People) ở group Người đọc sách trên Facebook. Mình tự hỏi, điều gì khiến một quyển tiểu thuyết young-adult của một tác giả 9x lại trở nên nối tiếng đến như vậy. Thế là mình mua sách và đọc ngấu nghiến trong tuần làm việc ở nhà vì dịch Covid-19.
Thật khó để diễn tả chính xác cảm giác của mình khi đọc xong quyển sách này. Nó khiến mình day dứt và thắt lòng khi nghĩ về quá trình tìm lấy bản ngã và trưởng thành của những đứa trẻ trong xã hội này. Chúng bất lực, mất phương hướng. Chúng phải mò mẫm, thậm chí trầy trật và tổn thương để đứng vững trên đôi chân của mình.
Ở vài trang đầu, mình thấy khó chịu khi những đoạn hội thoại của các nhân vật không được đặt trong dấu ngoặc kép, hoặc xuống hàng và gạch ngang đầu dòng như những quyển tiểu thuyết khác. Nhưng chỉ sau vài chương, mình bắt đầu quen và thích điều này. Lối viết tường thuật mọi việc một cách gián tiếp, hòa cùng giọng văn nhẹ nhàng của Rooney tạo nên chất xúc tác diệu kì cho Giữa hai chúng ta. Nó khiến mình khắc ghi những cảm xúc của cuốn tiểu thuyết một cách trọn vẹn nhất, nên khi hồi tưởng lại quyển sách để viết bài review này, mình men theo cảm xúc nhiều hơn là tình tiết câu chuyện.
Trưởng thành một cách bình thường vốn không hề dễ dàng. Đặc biệt khi hai nhân vật chính – Marianne và Connell đều mắc kẹt trong cuộc sống trung học nhàm chán, và sâu thẳm trong tim là những vụn vỡ của một mái ấm không hoàn hảo.
Mình thấy vui vì Rooney không xây dựng hai nhân vật chính theo mô típ lọ lem và hoàng tử, hoặc ngược lại, hoặc là những nhân vật với chiều sâu tâm lý khá nông, vốn nhan nhản ở khắp những quyển tiểu thuyết ngôn tình tuổi teen bấy giờ. Marianne và Connell đều là những đứa trẻ thông minh. Họ hướng nội và nhìn thế giới theo một cách rất khác. Mình nhìn thấy rõ sự đấu tranh nội tâm của họ, những người trẻ vật lộn với thế giới để thấu hiểu bản thân, và trưởng thành.
Marianne được biết đến như một cô gái kì quặc ở trường, sống trong căn nhà màu trắng với khoảnh sân vườn rộng lớn, gia đình giàu có và bố thì đã qua đời. Điều mà nhiều người không biết, là anh trai thường xuyên bạo hành cô, và mẹ cô thậm chí chứng kiến tất cả nhưng hoàn toàn phớt lờ. Trong gia đình, nếu có kẻ được coi là bất thường và vô cảm, thì đó hẳn là Marianne chứ không phải Alan (anh trai cô).
Connell là chàng trai sinh ra trong một gia đình ở tầng lớp lao động không được nề nếp cho lắm. Lorraine mang thai cậu khi mới 17, cậu sinh ra mà không biết mặt cha mình là ai. Trái ngược Marianne, dù hoàn cảnh không mấy khá giá, Connell lớn lên trong tình yêu thương và săn sóc của Lorraine. Cậu nhạy cảm và hướng nội, cậu đọc nhiều, nhiều hơn thảy bất kỳ đứa bạn nào mà cậu vẫn chơi chung.
Ở trường trung học, trong khi Connell cực kỳ nổi tiếng, là thành viên của đội bóng và được yêu thích, thì Marianne chỉ là một cô nàng lạ lùng, cô độc, luôn chìm đắm trong thế giới của riêng mình.
Mẹ Connell dọn dẹp và giúp việc ở nhà Marianne vài ngày trong tuần. Connell thỉnh thoảng lái xe đến đón mẹ, cậu gặp và chuyện trò đôi chút với Marianne, nhưng họ chưa bao giờ chào hỏi hay tán gẫu với nhau ở trường.
Những lần gặp gỡ của cả hai tại nhà Marianne biến thành nụ hôn đầu, để rồi dần dà bước vào một mối quan hệ vụng trộm bí mật, họ lén lút làm tình với nhau nhiều lần. Trong những đêm nằm cạnh nhau, họ chia sẻ những câu chuyện, những suy nghĩ và cảm xúc sâu thẳm trong tim với người kia. Họ đồng điệu và thấu hiểu nhau, nhưng sợ hãi mọi người ở trường phát hiện chuyện đang xảy ra. Nỗi sợ khiến Connell phớt lờ Marianne, mời Rachel đi vũ hội. Sự tự ti và lo lắng việc người khác sẽ nghĩ gì về mình khiến cậu lặng im khi nghe Rob và Eric đưa ra những lời bình phẩm và nhục mạ sau lưng Marianne, dù cậu thật sự thấy buồn nôn và phát ốm về điều đó. Còn Marianne, cô sợ mọi người phát hiện ra cách mà Connell đối xử với cô, rằng cô thậm chí còn không đáng để được coi như một người bạn gái bình thường. Nỗi sợ, một phần xuất phát từ cách biệt giai cấp xã hội, nhưng bản chất vẫn do môi trường sống và tính cách của hai nhân vật.
Và rồi, cả hai gặp lại ở Đại học Trinity. Lúc này, khi Marianne đã tìm thấy giá trị, sự tự do của mình trong môi trường mới, thì ngược lại, Connell đứng bên lề mọi cuộc chơi, ngại ngùng và đánh mất đi sự tự tin. Trong suốt những năm học đại học, Marianne và Connell vẫn gặp gỡ và hẹn hò với những người khác. Nhưng tận sâu bên trong, họ bị cuốn hút và không thể cưỡng lại bởi đối phương. Những tưởng cả hai sẽ thoải mái bên nhau, nhưng mỗi người đều đang phải vật lộn với cuộc sống của bản thân và quên mất việc sẻ chia với người kia. Hiểu nhầm và nỗi tự ti sâu thẳm bên trong đã đẩy Marianne và Connell đi rất xa. Marianne sợ Connell phát hiện cô không vẹn toàn và chỉ là một thân xác hoang tàn đầy thương tổn. Còn Connell e ngại bởi nỗi tự ti về giai cấp và những chuyện đã xảy ra trong quá khứ.
Đọc truyện, mình dành một nỗi thương cảm sâu sắc đến Marianne. Trong quãng thời gian đại học, cô trở nên hoạt ngôn và quảng giao hơn, nhưng sâu bên trong nhân vật này, mình chỉ thấy những vụn vỡ và tan nát. Thống dâm? Tại sao cô lại chấp nhận quan hệ theo kiểu này với Jamie? Rồi khi đi trao đổi ở Thụy Điển theo học bổng Erasmus, tại sao cô nói với Lukas rằng thứ cô cần là điều gì đó đối lập với cảm giác được thích? Thực chất, Marianne chỉ là đang cố tự làm tổn thương mình, để cảm nhận cô vẫn còn là một phần của thế giới này. Người thân hờ hững và đối xử với cô không khác gì kẻ xa lạ, cùng với nỗi tự ti khi bất kỳ ai lướt qua cuộc sống đều cho rằng cô là một kẻ lạ lùng và khác biệt. Tất cả khiến Marianne ngộ nhận rằng, cô chỉ là một bản thể nằm ngoài cuộc sống, một người thậm chí không đáng để được yêu thương và trân trọng. Có một điều mà trong quãng thời gian từng bị trầm cảm mình nhận ra, đó là khi nỗi đau về mặt tinh thần quá lớn, đau đến nỗi tê liệt cảm xúc, người ta sẽ tìm đến những nỗi đau về mặt thể chất, như một kiểu để quên lãng và che giấu đi nỗi đau tinh thần, hoặc có chăng là để xác nhận rằng mình vẫn còn cảm giác.
Còn ở Connell, mình thấy sự ngờ vực và mâu thuẫn trong nội tâm cậu. Tại sao Connell lại trầm cảm sau khi Rob tự tử, rồi chia tay với Helen? Đơn giản chỉ bởi cái thế giới “normal” mà cậu xây nên trong tâm tưởng, lúc bấy giờ đã hoàn toàn sụp đổ. Connell thấy tội lỗi vì đã không trả lời tin nhắn cuối cùng của cậu bạn. Khi tốt nghiệp trung học, Connell rời khỏi Sligo với mong muốn sẽ xây dựng một cuộc đời mới ở Dublin. Cậu muốn quên đi những việc làm không đúng đắn hồi còn chơi với Rob và Eric thời cấp ba, cũng như gạt bỏ những định kiến xã hội về bản thân, đó là một chàng trai đến thị trấn nhỏ và xuất thân từ tầng lớp lao động, một đứa con không cha và gia đình thì chẳng mấy nề nếp.
Nhưng rồi, cậu nhận ra tất cả những nỗ lực ở Dublin đều vô vọng. Cậu phải ở chung phòng với Niall, cả hai sống trong căn trọ ẩm mốc và vào mùa đông thì lạnh đến run người. Cậu thậm chí không thể mở lời với Marianne để mình ở lại chỗ cô trong vài tuần cho đến lúc tìm được việc làm thêm khác trang trải cho cuộc sống. Và cái cách mà mọi người nhìn nhận về Connell, ừ thì cậu trông cũng điển trai đấy, nhưng suốt ngày chỉ bận quần áo thể thao và đi mãi đôi giày Adidas cũ đến mức không thể cũ hơn. Rồi cái tính hướng nội và nhút nhát khiến cậu chẳng thể mở lòng với bất kỳ ai, ngoại trừ Marianne. Cậu thấy những người bạn ở Dublin toàn những kẻ dị hợm, những kẻ tỏ ra thông minh, tham gia trao đổi và tranh luận hăng hái trên lớp, nhưng thậm chí còn không thèm đọc tác phẩm gốc.
Trong truyện có hai câu nói của Marianne và Connell khiến mình cực kỳ tâm đắc:

Ở Marianne và Connell, mình cảm thấy một sự hòa hợp gần như là toàn vẹn giữa hai tâm hồn, cảm giác cứ như nếu không phải đối phương thì không thể là ai khác. Nên đọc xong phần cuối của truyện, mình đã thoáng hụt hẫng. Nhưng rồi, khi đọc lại lần hai và coi TV Series, mình nghĩ, đến cuối cùng điều mà tác giả muốn nói ở đây, không phải là Marianne và Connell có đến được với nhau hay không, mà cả hai đã cùng sẻ chia những tháng năm tuổi trẻ với nhau, cùng trải qua những vấp ngã và đớn đau. Ở họ còn nhiều điều chưa nói, cũng như nhiều hy vọng và khát khao, nhưng chí ít, cả hai đã trao cho nhau những điều tốt đẹp nhất.
Trong những năm tháng dài đằng đẵng của cuộc đời, có một người như vậy xuất hiện, dù chỉ ngắn ngủi thôi cũng đủ rồi.
Đọc tiếp: [Review phim] Normal People (TV Series)
Góc nhỏ của Annie là blog phi lợi nhuận, miễn phí cho tất cả bạn đọc và không chạy quảng cáo. Sự ủng hộ của bạn là điều không thể thiếu giúp blog tiếp tục tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Bạn có thể ủng hộ cho blog tại ĐÂY nhé! ^^
Phải nói rằng chị annie review cuốn tiểu thuyết này thực sự thành công. Lời văn của chị là thứ mà em thích nhất súc tích, dễ hiểu và cô đọng nó tạo cho em cảm giác vừa đủ để hiểu mà không bị thừa(spoil).
Cảm ơn em rất nhiều 🙂
Bạn mua sách ở đâu vậy à cho mình xin địa chỉ
Mình đặt mua ở tiki. Bạn cũng có thể mua ở Fahasa cũng dc nha.