Mình coi bộ này rất lâu rồi, có lẽ là hồi học cấp 3 hay cuối năm cấp 2 thì phải, cái thời mình còn siêng lướt Kites mục phim Hoa ngữ để tìm phim hay. Cứ tối đến, sau khi làm xong chỗ bài tập cao ngất ngưỡng thì mình lại ngồi thẫn thờ, buồn bả vì cuộc sống tẻ nhạt của mình. Thế nên bộ phim này nó mang một ý nghĩa gì đó với mình, khiến mình nhớ lại khoảng thời gian ấy. Cảm giác man mác buồn, cũng có chút hoài niệm và bâng khuâng.
Mình từng đọc Cô đơn vào đời, trong đó Dịch Phấn Hàn từng viết một câu: “Người lớn luôn nghĩ trẻ con thì biết yêu đương là gì, thực ra chính người lớn mới không hiểu tình yêu.” Mình biết tình cảm giữa hai bạn nhỏ 13 tuổi, Tiểu Mỹ và Tiểu Kiệt không thể gọi là thích, cũng không thể gọi là yêu, chỉ là thứ tình cảm trong sáng của hai đứa trẻ lạc lõng giữa thế giới người lớn. Rất đáng yêu và chân thành.
Với mình, những suy nghĩ đơn sơ thuở bé là những suy nghĩ giản đơn, thuần khiết nhất. Tâm hồn của trẻ con vì vậy cũng rất nhạy cảm và dễ tổn thương. Có thể người lớn biết, cũng có thể họ không biết nhưng những thương tổn đầu đời của một đứa trẻ có thể sẽ trở thành vết sẹo theo suốt bước đường trưởng thành. Những bạn nhỏ lớn lên trong gia đình không êm ấm, cha mẹ hay cãi vả, thiếu quan tâm đến con cái thường sẽ rất hướng nội, kiệm lời và có phần cực đoan, điều mà người xem có thể thấy qua hai bạn nhỏ Tiểu Mỹ và Tiểu Kiệt. Tiểu Kiệt kể rằng sau khi gặp tai nạn lao động, bố cậu trở thành người cha nghiện rượu, hay đánh đập mẹ và cậu. Thế nên cứ cách một thời gian hai mẹ con lại phải chuyển nhà. Cậu bé đâm lầm lì và khép mình. Còn Tiểu Mỹ, dù sống trong gia đình đủ đầy cha mẹ, nhưng họ lại chẳng quan tâm đến cô bé. Có lần họ cãi nhau, Tiểu Mỹ bỏ nhà đi đến bến tàu lửa để thăm ông, rồi lẳng lặng về lại nhà, nhưng bố mẹ cô chẳng ai hay biết. Hai đứa trẻ 13 tuổi, dù còn là trẻ con, nhưng qua giọng kể vẫn thấy chua xót.
Có lẽ ngày bé mình cũng từng là một đứa trẻ như vậy, nên mình hiểu cảm giác của Tiểu Mỹ, hiểu được tại sao cô bé lại bỏ nhà mà đi. Hiểu được nỗi cô đơn và lạc lõng khi điểm tựa duy nhất là gia đình cũng không còn. Hiểu được cả sự chân thành và ấm áp của hai bạn nhỏ dưới bầu trời đêm đầy sao ấy.
Và thực sự, những cảnh Tiểu Mỹ trò chuyện với ông, tuy ít thoại nhưng mình thực sự rất cảm động. Bạn nào từng sống với ông bà ở quê chắc hẳn sẽ hiểu được cảm giác rất đỗi bình dị và ấm áp ấy. Thành phố dù có sầm uất, điện đèn sáng trưng đến mấy cũng chẳng sánh được bầu trời đêm đầy sao, tiếng dế kêu và không gian tĩnh mịch yên ả của làng quê.
Coi đến đoạn Tiểu Mỹ tìm về ngôi nhà gỗ trên núi của người ông đã mất, mình thật sự rất nhớ ông ngoại của mình. Hình ảnh chú voi màu xanh với chiếc chân chưa hoàn chỉnh khiến mình nhớ lại mấy món món đồ chơi khi bé ông từng mua cho mình. Mình nhớ ông từng đèo mình trên chiếc xe đạp màu xanh. Cũng nhớ thỏi kẻo cuối cùng mà ông mua cho mình, đó là thỏi kẹo ngon nhất mà mình từng đươc ăn. Nhiều năm sau đó, mình ăn lại thỏi kẹo ấy, nhưng chẳng thể nào tìm lại được hương vị của ngày xưa…
Một điểm nữa của phim mà mình rất thích là cách đặc tả thế giới qua góc nhìn của cô bé Tiểu Mỹ. Nó có chút mộng mơ và đáng yêu chứ không u buồn. Chẳng hạn như cảnh mấy con vật bằng giấy bay nhảy khi Tiểu Mỹ và Tiểu Kiệt đi qua chiếc cầu. Cảnh chú voi xanh và Tiểu Mỹ trên con đường vắng người. Hay cảnh chiếc tàu hoa bay lên dưới bầu trời đầy sao của Van Goth.
Bộ phim này giống như chuyến phiêu lưu để trở về tuổi thơ vậy. Một chiếc ba lô, một người bạn đồng hành. Coi phim, có lúc mình đã nghĩ, ước gì hồi nhỏ mình cũng có một chuyến đi như vậy.
Tiểu Mỹ nói rằng: Khi nhìn những bạn học đồng trang lứa, cô hiểu mùa hè của họ chỉ mới bắt đầu thôi. Còn mùa hè của cô đã kết thúc rồi, có lẽ là từ khoảnh khắc Tiểu Mỹ nói với Tiểu Kiệt mình có mang di động. Suy cho cùng, trưởng thành cũng giống như cuộc hành trình của Tiểu Mỹ vậy. Mỗi đứa trẻ sẽ dùng những cách thức khác nhau để thể nghiệm và mở mang thế giới quan. Nhiều năm về sau, mình mới nhận ra, khi một đứa trẻ hiểu được chia ly là gì cũng là lúc nó bắt đầu trưởng thành.
Phim khép lại với kết thúc mở. Khi ấy, mẹ Tiểu Mỹ hẳn đã kết hôn với người ngoại quốc trên đất Pháp. Đêm Giáng sinh năm ấy, Tiểu Mỹ dắt tay em gái đi qua con phố, rồi tình cờ bước vào tiệm tranh. Khi Tiểu Mỹ tình cờ bắt gặp bức tranh xếp hình Trời đầy sao tại một cửa hàng tranh nơi đất khách, hẳn là cô vẫn còn nhớ về bầu trời đêm đầy sao năm xưa. Mãi đến bây giờ mình mới hiểu tại sao bức tranh Trời đầy sao ấy lại thiếu một mảnh. Có lẽ, trong tâm thức của hai đứa trẻ, bầu trời đêm dưới ngôi nhà gỗ năm 13 tuổi mới là bức tranh hoàn mỹ nhất.
Đời người cũng giống như bức tranh xếp hình vậy. Từng mảnh từng mảnh được xếp lại. Nếu thiếu đi một mảnh sẽ cảm thấy không hoàn hảo, khiến cho chúng ta mãi luôn kiếm tìm. Nhưng mình tin, đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ tìm được mảnh ghép ấy, vào đúng thời điểm.
Bộ phim này với mình giống như quyển nhật kí nhỏ thuở niên thiếu vậy. Có những chuyện, có những thứ mà đến khi lớn lên bạn mới cảm thấy khi bé chúng thật đáng quý.
Phần âm nhạc trong phim rất hay. Bài Starry Night của Mayday, OST chính của phim mình nghe lâu rồi nhưng vẫn thích. Những bản nhạc không lời cực hợp với tiết tấu và mạch phim.
Cả bộ phim dài gần 2 tiếng, hầu như thoại nhân vật không nhiều, nhưng người xem vẫn cảm nhận được suy nghĩ của từng nhân vật. Phim khiến mình nhớ lại rất nhiều chuyện hồi bé. Cậu bạn thân, người ông đã mất, gia đình, bạn bè và cả những tâm tư thuở bé.
Nếu coi bộ này vào dịp Giáng Sinh thì hẳn là không gì tuyệt bằng.
Đánh giá: 8.5/10.
Góc nhỏ của Annie là blog phi lợi nhuận, miễn phí cho tất cả bạn đọc và không chạy quảng cáo. Sự ủng hộ của bạn là điều không thể thiếu giúp blog tiếp tục tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Bạn có thể ủng hộ cho blog tại ĐÂY nhé! ^^
2 thoughts on “[Review] Khung trời sao | Starry Starry Night”